Xe buýt Hà Nội: Vật lộn với tắc đường

Ngọc Hải - Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ yếu của của Hà Nội, vừa giúp giảm ùn tắc giao thông (UTGT) vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng xe buýt lại đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, thách thức trên từng chuyến đi.
Mỗi bước mỗi khó khăn
Nhiều năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện VTHKCC. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cơ bản nhất là thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt thì vẫn chưa giải quyết được. Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, riêng trong năm 2018 có đến 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ.
 Xe buýt hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
“Để tăng được 1% lượng hành khách đã rất khó, vậy mà các DN vận tải mất đến 3,5% khối lượng phục vụ do UTGT quả là quá đáng tiếc. Chưa kể việc bỏ chuyến, quay đầu còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, thương hiệu của xe buýt” - lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, ngoài BRT được bố trí làn đường riêng, tất cả các tuyến xe buýt còn lại ở Hà Nội đều phải sử dụng chung đường với các phương tiện khác. Điều đó khiến hiệu quả khai thác của xe buýt vô cùng hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều vị trí dừng đỗ, nhà chờ xe buýt đồng mức với vỉa hè nên khi đón trả khách, xe buýt còn gây cản trở giao thông với các phương tiện cùng chiều khác. TS Lâm Quốc Đạt - trường Đại học GTVT nhận định, mạng lưới xe buýt Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập, chưa định rõ chức năng của các tuyến xuyên tâm, tuyến hướng tâm, tuyến vòng tròn... Hệ số trùng tuyến cao, khả năng tiếp cận của người dân trong bán kính tối ưu từ 1,3 - 1,5km là chưa thu hút nhu cầu sử dụng.

"Các DN vận tải có thể tính toán, điều chỉnh kích cỡ xe buýt cho hợp lý, đa dạng để tương đồng với mật độ giao thông và tình trạng đô thị. Trong đó, cần tăng cường thử nghiệm phương tiện VTHKCC sức chứa nhỏ từ 12 - 16 người (minibus)." - TS Lâm Quốc Đạt - trường Đại học GTVT

Mặt khác, phần lớn các tuyến phố, đặc biệt trong nội thành, không gian đi bộ kết nối với điểm dừng bị bó hẹp, chiếm dụng gây khó khăn cho hành khách khi tiếp cận với xe buýt. Đây là hệ luỵ nhãn tiền của việc phát triển đô thị bỏ quên yếu tố quy hoạch hạ tầng dành riêng cho xe buýt.
Tự cứu mình trước
Khó khăn về hạ tầng của xe buýt là vấn đề rất khó giải quyết, đòi hỏi nguồn lực rất lớn và thời gian dài. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, xe buýt Hà Nội phải tự khắc phục khó khăn, bù đắp nhược điểm bằng những giải pháp khả thi nhất. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành xe buýt.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho biết, Transerco đã ứng dụng công nghệ GPS kiểm soát các thông số của gần 2.000 xe trên web server; lắp đèn led và hệ thống âm thanh thông báo lộ trình; lắp đặt hệ thống camera trên 213 xe/14 tuyến buýt; trang bị hệ thống wifi miễn phí trên 580 xe; triển khai ứng dụng Tìm buýt miễn phí trên các thiết bị di động… “Hiện ứng dụng này đã được gần 1 triệu người cài đặt, bình quân mỗi tháng có 30.000 người cài đặt mới và 5 triệu lượt tìm kiếm, tra cứu thông tin trên ứng dụng” - ông Nhật tiết lộ.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, DN vận tải, với sự hỗ trợ của Sở GTVT Hà Nội, cần chủ động điều chỉnh, sắp xếp luồng tuyến sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Có thể thấy, dù là loại hình VTHKCC được ưu tiên nhất nhưng mỗi bước đi của xe buýt Hà Nội đều gặp không ít gian nan, thử thách. Điều đó đòi hỏi các DN kinh doanh, khai thác xe buýt phải nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để đứng vững trước cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các loại hình vận tải hành khách khác tại Hà Nội.