Xe khách liên tỉnh núp bóng xe hợp đồng: Hệ lụy khôn lường từ một văn bản

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, xe khách liên tỉnh núp bóng xe hợp đồng để vận tải khách liên tỉnh đã thực sự trở thành vấn nạn đối với Hà Nội. Nguy hại hơn, hiện tượng này gây ra những hệ lụy khôn lường.

Nghênh ngang diễu phố
Dư luận thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng hàng trăm xe 9 chỗ, len lỏi mọi ngõ ngách của Hà Nội, đưa đón khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tài xế dừng đỗ bất cứ đâu, không hạn định giờ giấc, gây ùn tắc giao thông, làm rối loạn trật tự, an ninh, kinh tế - xã hội của TP. Đặc điểm chung của loại xe này là bề ngoài nhìn như xe 16 chỗ, mang phù hiệu “Xe hợp đồng”. Chỉ cần hành khách gọi điện đặt chỗ hoặc yêu cầu trực tiếp, sẽ được đón trả tại bất cứ địa điểm nào trong nội thành.

Xe khách trá hình đón khách trên đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy.  Ảnh:  Ngọc Hải

Với cung cách phục vụ như vậy, dù giá vé có cao hơn bình thường, vẫn có nhiều hành khách lựa chọn loại xe này. Những thương hiệu nổi cộm trong nhóm xe hợp đồng “lách luật" chở khách liên tỉnh có thể kể đến như: Hoa Mai, Hà Lan, Hưng Thành, Sao Việt… Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, lượng xe khách trá hình với cách gọi quen thuộc “Xe Limousine” này đã tăng gấp hàng chục lần và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Một tài xế “Xe Limousine” (xin giấu tên) chia sẻ: “Ban đầu nhiều hãng chỉ tận dụng xe 16 chỗ cũ, làm hồ sơ xin hoán cải thành 9 chỗ để đăng ký chạy khách hợp đồng. Về sau, phần vì làm ăn tốt, phần vì sợ xe hết niên hạn và cũng để cạnh tranh ngầm, họ thay hẳn xe cũ bằng xe 9 chỗ mới Dcar hoặc Mercedes… chất lượng cao”.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, phương thức hoạt động phổ biến của các xe này là cho hành khách đặt chỗ qua điện thoại, đón tại văn phòng đại diện hoặc bất cứ địa điểm nào trong nội thành, đón tại những khu vực xa trung tâm có tính thêm phí. Hành khách lên xe sẽ phải điền tên họ vào một bản hợp đồng vận chuyển do nhà xe chuẩn bị sẵn để tiện qua mặt cơ quan chức năng. Trên xe chỉ có 9 chỗ ngồi, xe đủ khách đi một mạch từ Hà Nội tới: Thái Nguyên, Hải Phòng, Lào Cai, Nghệ An… Rồi lại từ đó đưa khách về Hà Nội, luồn lách vào trả tại những khu đô thị, khu dân cư hay bất cứ đường phố cấm nào như thể Thủ đô chỉ là một cái “chợ khách” vậy.
Thay đổi nhỏ, hệ lụy lớn
Tháng 11/2014, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 63/2014/TT - BGTVT, quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này có một thay đổi nhỏ nhưng đã để lại hệ lụy rất lớn đối với Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác và cả nền kinh tế nói chung. Đó là việc đưa loại “xe hợp đồng” dưới 10 chỗ ra khỏi một số quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải. Cụ thể, trong Thông tư chỉ yêu cầu các “xe hợp đồng” từ 10 chỗ trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử tới Sở GTVT địa phương về: điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình; thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách.
Không bị bắt buộc phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải, cũng đồng nghĩa với việc được đặt ra ngoài vòng kiểm soát khi thực hiện những hợp đồng cụ thể, được mở ra cả một cánh cổng lớn để tha hồ tự tung tự tác. Các DN vận tải rầm rộ sắm xe 9 chỗ, “thửa” sẵn cả tập hợp đồng trang bị cho tài xế rồi ung dung vận chuyển hành khách trên tuyến cố định. Đại diện Sở GTVT Hà Nội kêu trời: “Xe của họ nằm ngoài khung quy định, hợp đồng ký với khách đầy đủ, lại không thuộc diện bị cấm vào nội thành (hầu hết chỉ cấm xe trên 16 hoặc trên 24 chỗ). Muốn xử phạt mà không biết quy chiếu vào đâu để bắt lỗi vi phạm”. Thanh tra GTVT một số địa phương có xe khách trá hình kiểu này cũng cho biết, chủ yếu chỉ có thể phạt lỗi dừng đỗ sai quy định chứ khó lòng bắt quả tang được hành vi vận chuyển khách liên tỉnh.
Chờ sửa luật
Xe khách trá hình xe hợp đồng đang dồn áp lực ngày càng nặng nề lên mạng lưới lưu thông, giao thông tĩnh của Hà Nội; tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu hàng trăm tỷ tiền thuế mỗi năm và gián tiếp bóp nghẹt các DN vận tải làm ăn chân chính. Theo thống kê, đến tháng 10 vừa qua, Hà Nội đã xử lý trên 800 xe hợp đồng chở khách liên tỉnh, phạt tới gần 1 tỷ đồng, tước GPLX 370 trường hợp, nhưng đó cũng chỉ là bề nổi của một núi băng chìm.
Để phạt được từng ấy trường hợp, lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT đã phải vô cùng vất vả, mật phục, theo dõi trường kỳ. Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP, Trung tá Lê Văn Tiến chia sẻ: “Loại hình vi phạm này cực kỳ khó xử lý. Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra, hành khách phần lớn đều bao che cho nhà xe, phải mất rất nhiều công sức, thời gian mới xử lý được một chiếc”.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, chỉ khi nào có những quy định chặt chẽ cụ thể đối với loại xe hợp đồng dưới 10 chỗ, lực lượng chức năng mới có đủ cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm vi phạm. Theo ông Hải, cần bắt buộc xe hợp đồng dưới 10 chỗ phải thông báo điểm khởi hành, kết thúc; lộ trình, điểm đón, trả khách; thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng và danh sách hành khách trước mỗi chuyến đi. “Hiện có thể báo cáo bằng email nên rất thuận tiện, nhanh chóng, không có gì khó khăn, phiền nhiễu cả” - ông Hải nói. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kiểm soát được đầu vào sẽ ngăn ngừa được vi phạm, Bộ GTVT cần phải nhanh chóng sửa đổi các Nghị định, Thông tư liên quan, không thể để cả xã hội phải chạy theo một nhóm DN làm ăn “bát nháo”, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Việc cấm xe hợp đồng không được đưa đón khách thường xuyên trên một lộ trình cố định, đón trả tại văn phòng, điểm giao dịch, xác nhận, đặt chỗ trước cho khách… là rất cần thiết để kiểm soát, hạn chế “xe khách trá hình”. Những điểm này sẽ được bàn thảo để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trong Nghị định 86 sửa đổi.
Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển