Xe khách liên tỉnh vẫn nhồi nhét, “chặt chém”: Lách luật vì... nhu cầu?

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, hiện tượng xe khách liên tỉnh chở quá số người, thu quá giá vé quy định vẫn diễn ra không ít. Một số chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân khiến vi phạm này tiếp diễn là do hành khách.

Xuống xe lại đuổi theo xe
Chiều 27/4, một xe khách loại 35 chỗ, chạy tuyến Giáp Bát - Thái Bình của nhà xe Phiệt Học bị phát hiện nhồi tới 52 hành khách trước giờ xuất bến. Ngay lập tức, lực lượng Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai và Ban Quản lý bến đã lập biên bản xử phạt, yêu cầu nhà xe hạ khách, sang tải, đảm bảo đúng số lượng người cho phép mới được khởi hành. Nhưng nghịch lý là khi đã hạ khách xong, xe lăn bánh hành khách vẫn chạy theo, “nằn nì” nhà xe cho lên. Phó đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai Tưởng Đỗ Hiển cho biết: “Buộc lòng chúng tôi phải cử cán bộ áp tải xe xuất bến, đi ra đến tận ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng để ngăn ngừa nhà xe nhồi nhét thêm khách”.
 Đón xe khách dọc đường là nguyên nhân dẫn đến nhồi nhét, 'chặt chém' khách. Ảnh: Công Hùng
Ông Hiển cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhồi nhét khách của xe liên tỉnh chính là do bộ phận không nhỏ người dân sẵn sàng chấp nhận cảnh chật chội để đi sớm, về sớm. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn giữ tâm lý lo lắng, sợ thiếu xe, không về được quê, mặc dù trong vài năm trở lại đây, lượng xe khách dự phòng tại các bến trong các dịp lễ, Tết không thiếu.

Ngoài ra, một thói quen khác của không ít người dân cũng khiến cho “căn bệnh” nhồi nhét, thu quá giá vé của xe khách liên tỉnh dai dẳng mãi chưa dứt là bắt xe dọc đường. Đại diện Công ty CP Quản lý bến xe Hà Nội khẳng định, không một chiếc xe nào nhồi nhét hoặc thu quá giá mà có thể rời bến hoặc vào bến. “Hiện tượng này chỉ phát sinh khi xe bắt khách dọc đường và khách cũng được trả luôn dọc đường trước khi vào bến” - vị này nhận định.

Không thể xử lý triệt để nếu còn "cầu"

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, hành khách chính là những người có thể xóa dứt điểm hiện tượng nhồi nhét, chặt chém của xe khách liên tỉnh. Ông Thắng phân tích: “Suy cho cùng, khách là người mua, nhà xe là người bán; có mua chỗ trên chuyến xe đó hay không nhà xe không thể ép buộc hành khách được. Chỉ có hành khách tự nguyện chấp nhận những chuyến xe “bão táp”; cùng với đó là một số ít bị lừa lên xe nhồi nhét nhưng không dũng cảm xuống xe”.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào việc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng, thì không thể xóa triệt để các vi phạm như nhồi nhét, chặt chém, dừng đỗ đón trả tùy tiện của xe khách liên tỉnh. Bởi chừng nào người dân còn “cầu” thì các nhà xe sẽ tìm mọi cách lách luật, tránh né vi phạm để “cung”. Hơn nữa, hiện mới chỉ có các chế tài xử phạt nhà xe vi phạm chở quá người, dừng đỗ tùy tiện chứ chưa có điều luật nào xử phạt hành khách đón xe không đúng nơi quy định.

Bởi vậy, muốn xử lý dứt điểm những vi phạm của xe khách, cần tiến hành song song các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm minh với việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, vào các dịp lễ, Tết, Sở luôn có kế hoạch cụ thể, bố trí xe dự phòng phục vụ Nhân dân. Thực tế, trong một số thời điểm, người dân đổ về quá đông, các bến xe không thể đáp ứng hết ngay cùng một lúc. Nhưng nếu hành khách đến sớm hoặc muộn hơn giờ cao điểm một chút là thoải mái lựa chọn xe. Bởi vậy, sự chủ động trong giờ giấc đi lại của người dân là yếu tố quan trọng, góp phần giảm tải cho các bến xe và hạn chế UTGT trong các dịp lễ, Tết.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có thêm nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân hiểu và dần thay đổi thói quen đón xe khách dọc đường, nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình. Chẳng hạn như tận dụng kênh từ chính các cơ quan, trụ sở, trường học… để thông tin về lịch xe chạy, số lượng xe tại mỗi bến, giúp người dân chủ động hơn, không còn phải lo lắng việc thiếu xe, lỡ xe mỗi kỳ lễ, Tết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần