Xe khách trá hình: Vẫn còn “đất diễn”?

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với Sở GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam diễn ra chiều 26/6, hầu hết các DN vận tải đều bày tỏ nỗi bức xúc và lo sợ trước vấn nạn xe khách trá hình.

Thậm chí, các DN còn khẳng định, xe khách trá hình đang làm tan vỡ mạng lưới vận tải hành khách (VTHK) tuyến cố định.
Lượng xe hợp đồng tăng 25 lần
Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, mạng lưới VTHK tuyến cố định liên tỉnh đường bộ tại Hà Nội được kết nối từ 6 Bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây đến 41 tỉnh, TP. Tổng số có 655 tuyến vận tải, 450 DN, 4.647 phương tiện, 4.766 chuyến/ngày; trong đó, có 51 đơn vị vận tải có trụ sở trên địa bàn Hà Nội với 930 phương tiện.
Ông Đào Việt Long thông tin thêm, nhiều xe hợp đồng (xe dạng Limousine và xe khách) đang tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh, TP như tuyến cố định. Một số DN sử dụng trụ sở, phòng vé, văn phòng đại diện, các khu đất trống hoặc đất dự án chưa triển khai, không được cấp phép để hoạt động đón trả khách, bốc xếp hàng hóa sai quy định, dẫn đến hình thành “bến cóc”.
 Xe khách trá hình chờ đón khách phía sau siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Giám đốc Công ty Xe khách Hà Nội Đỗ Văn Huy bày tỏ, do xe khách trá hình hoạt động, thị phần của xe khách cố định đang bị thu hẹp dần, thậm chí nhiều xe phải đóng tuyến. Đáng lo ngại là thời gian gần đây, hiện tượng xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình không những không có dấu hiệu giảm mà còn tiếp tục tăng.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chia sẻ, 10 năm trước, số lượng xe hợp đồng chỉ bằng 20% so với xe tuyến cố định. Nhưng nay lượng xe hợp đồng đã gấp 10 lần xe tuyến cố định (tăng khoảng 25 lần - PV); trong đó rất nhiều xe lách luật, trá hình, vận chuyển khách liên tỉnh như tuyến cố định.
Thua vì chính sách
Nhiều DN cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa xe khách trá hình và xe khách tuyến cố định ngay từ đầu đã không lành mạnh, không cân sức. Trong khi xe khách tuyến cố định chịu quá nhiều ràng buộc về pháp lý, chi trả chi phí lớn hơn thì xe khách trá hình chỉ cần một chiếc phù hiệu hợp đồng là tha hồ vùng vẫy, đánh chiếm thị phần vận tải khách liên tỉnh.
Điều đáng nói là kẽ hỡ trong việc quản lý xe hợp đồng hoạt động như tuyến cố định đã được Hà Nội và nhiều địa phương khác báo cáo lên Bộ GTVT từ lâu. Nhưng tới nay, sau 9 lần trình dự thảo, Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ - CP vẫn chưa được thông qua, chưa có biện pháp nào quản lý được xe khách trá hình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền không đưa ra được giải pháp nào về cơ chế, chính sách đối với vấn đề này. “Về quản lý và xử lý xe Limousine, Sở GTVT cần phối hợp chặt với CSGT để tăng cường kiểm tra, xử phạt, áp dụng các hình thức phạt nguội” - bà Hiền nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, trước mắt, có thể nghiên cứu mở các tuyến buýt kế cận, chuyển đổi tuyến xe khách cố định dưới 100km thành buýt kế cận, khuyến khích DN đầu tư, khai thác. “Đó là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình” - ông Viện bày tỏ.
Một vấn đề khác cũng được DN rất quan tâm là hiệu quả xử lý xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình thời gian qua chưa cao. Trên địa bàn Hà Nội, loại hình này có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết, đã đề xuất với Sở một số giải pháp, trong đó có việc lắp đặt camera và áp dụng hình thức xử phạt nguội vi phạm. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả cao nhất, công tác quản lý của các địa phương phải đồng bộ, nghiêm minh. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ siết chặt kiểm tra hơn nữa đối với việc kinh doanh VTHK.