Xe khách trá hình vẫn ngang nhiên hoạt động: Lỗ hổng từ chính sách

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng xe khách trá hình dưới 10 chỗ ngồi, còn được biết đến với danh xưng xe VIP, Limousine… đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp tại các đô thị lớn.

Vấn nạn này bắt nguồn từ một lỗ hổng lớn trong Nghị định 86/NĐ - CP mà đến nay chưa được sửa chữa.
Lực bất tòng tâm
Tình trạng xe dưới 10 chỗ ngồi núp dưới danh nghĩa “xe hợp đồng” để vận chuyển hành khách liên tỉnh đã được nói đến, thậm chí nói nhiều, nói rõ ràng, liên tục trong thời gian qua. Dư luận bức xúc, đặt ra câu hỏi: Liệu có phải lực lượng chức năng cố tình làm ngơ cho loại hình vi phạm này tiếp diễn? Thế nhưng, có thực mục sở thị quá trình kiểm tra, xử lý mới thấy, CSGT, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội quả là “lực bất tòng tâm” trước vi phạm.
5 giờ 30 sáng ngày 2/3, Đội trưởng Đội Vận tải - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quang Lượng trong chiếc áo khoác trùm kín đến đầu gối, giấu đi bộ sắc phục, bám theo chiếc xe BKS: 17B - 012.43 trên đường Phạm Hùng. Chiếc xe mang thương hiệu “Giỏi Hoa” vừa tấp vào trả khách, ông Lượng lao lên đầu xe, giật vội mũ bảo hiểm để đội lên đầu chiếc kê pi, cởi áo khoác, ngay ngắn trong đồng phục Thanh tra GTVT, yêu cầu nhà xe xuất trình giấy tờ. Bất ngờ trước sự xuất hiện như "từ trên trời rơi xuống" của ông Lượng nhưng lái xe vẫn cố tình phản ứng: “Xe tôi đỗ vào lề để kiểm tra kỹ thuật, làm gì có ai lên xuống”. Chỉ đến khi ông Nguyễn Quang Lượng chìa chiếc điện thoại cho lái xe xem đoạn phim quay cận cảnh xe trả khách tại nơi cấm dừng đỗ, bấy giờ tài xế mới ngậm ngùi nhận sai nhưng vẫn loanh quanh, móc điện thoại cầu cứu khắp nơi. Mặc cho chuông đổ liên hồi, vị Đội trưởng vẫn nhất định không bắt máy, cực chẳng đã, tài xế đành ký biên bản, đưa xe về nơi tạm giữ.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xử lý xe chạy dù trên đường Trần Thánh Tông.  Ảnh:  Ngọc Hải

Tương tự, khi cùng Đội phó Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai Tưởng Đỗ Hiển bám theo những chiếc xe trung chuyển đến một ngách nhỏ nằm sâu trong Khu đô thị Pháp Vân; chúng tôi bắt gặp cả một bến “cóc” chạy dài với hàng loạt xe limousine, xe VIP của Công ty X.E Việt Nam đang lên - xuống khách. Thoáng thấy ông Hiển rút điện thoại ra để chụp ảnh vi phạm, lập tức cả bến “cóc” nháo nhào như ong vỡ tổ, bỏ chạy tứ tán. Ông Tưởng Đỗ Hiển phải lao ra chặn trước đầu mới giữ được một xe để xử lý. Ông Hiển lý giải: “Chỉ có CSGT mới được quyền dừng xe khi đang chạy để kiểm tra; Thanh tra GTVT chỉ được kiểm tra xe đang dừng đỗ, họ chớm bỏ chạy mình phải chặn lại ngay chứ để họ lăn bánh đi rồi thì chẳng có cách nào mà bắt giữ được”.
Không sửa luật sẽ phạt không xuể
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường nhận định: “Xe khách trá hình dưới 10 chỗ bắt đầu phát sinh từ khi Nghị định 86 và Thông tư 63 mới cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện hợp đồng. Lợi dụng kẽ hở này, hàng loạt xe 16 chỗ hoán cải và cả xe mới dưới 10 chỗ đã làm hợp đồng khống để vận chuyển khách liên tỉnh”. Loại hình xe limousine, xe VIP núp bóng hợp đồng để vận chuyển khách liên tỉnh đang ngày càng diễn biến phức tạp và ngang nhiên hơn. Không chỉ làm lũng đoạn thị trường vận tải, những chiếc xe khách trá hình còn gây ra nhiều hệ lụy đối với an ninh trật tự xã hội, ATGT của Hà Nội. Đơn cử trường hợp của ông Phạm Quốc Vân - chủ Phòng khám nha khoa Tuấn Vân (số 80 Nguyễn Chánh). Ông Vân kể, văn phòng du lịch của Công ty TNHH Holland tại số 82 Nguyễn Chánh, sát bên phòng khám của ông, cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ lại có 2 chuyến xe đến đón khách liên tỉnh, hoạt động cả ngày như cái chợ. Khi ông Vân nhắc nhở còn bị một số người bên văn phòng Holland kéo sang dọa nạt, chửi bới.
Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình vận tải biến tướng này đang trực tiếp gây méo mó thị trường vận tải, khiến cả những người kinh doanh chân chính, chấp hành pháp luật cũng bắt đầu tính đến chuyện “lách luật, phá luật” để tồn tại. Chủ một DN vận tải tại Hà Nội (xin giấu tên) chia sẻ: “Khách họ đi xe Limousine, xe VIP hết cả. Kinh doanh nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật, chịu đủ loại thuế, phí nhưng phải nhận lại sự thiệt thòi; giờ đây chúng tôi cũng muốn đầu tư thêm dàn xe “VIP” để cạnh tranh”.
Từ ngày 1 - 6/3, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra xử lý 205 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó có trên 50 xe hợp đồng dưới 10 chỗ; tạm giữ 11 phương tiện; tước 57 bằng lái; phạt tiền gần 300 triệu đồng.

Cần sửa lại quy định, bắt buộc xe hợp đồng dưới 10 chỗ phải gửi danh sách khách hàng, điểm đón trả về Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện hợp đồng mới có thể quản lý được loại hình này. Bên cạnh đó, tất cả các lực lượng: CSGT, CSTT địa phương phải cùng vào cuộc với Thanh tra GTVT thì việc xử lý vi phạm mới đạt hiệu quả cao nhất.
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội  Nguyễn Mạnh Cường