Xe khách vượt tuyến “tung hoành” trên trục đường Vành đai 3

Đặng Sơn - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vẫn đang tiếp diễn tình trạng xe khách “trá hình”, vượt tuyến, gây mất trật tự, ATGT, rối loạn thị trường vận tải hành khách. Trong đó, đặc biệt nhức nhối là tình trạng các văn phòng xe chuyên tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh bám dọc trục đường Vành đai 3.

Xe thương hiệu Phúc Lợi đón khách tại 71 Khuất Duy Tiến. Ảnh: Đặng Sơn
Xé rào lập bến cóc
Thực hiện quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ GTVT phê duyệt, từ tháng 1/2017, Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển toàn bộ xe khách tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh về Bến xe Nước Ngầm. Sau một thời gian dài chật vật, các tuyến xe này đã dần đi vào ổn định, người dân, hành khách cũng đã nắm rõ lộ trình đón xe. Vậy nhưng, thời gian qua, hàng loạt nhà xe lại cố tình lập văn phòng bám dọc theo trục Vành đai 3, đội lốt xe hợp đồng để vượt tuyến, đón khách, gây ra nhiều hệ lụy cho Hà Nội. Điều đáng nói, khác với các xe Limousine loại 10 - 16 chỗ, xe “trá hình” tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh hầu hết là loại xe 45 chỗ giường nằm.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng đặt câu hỏi: “Mỗi một văn phòng xe chịu sự quản lý của chính quyền, công an phường, quận; cảnh sát trật tự, CSGT TP; Thanh tra GTVT. Lực lượng không hề ít, vậy vì sao mà không dẹp nổi vi phạm?”.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trên địa bàn 4 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân đều có các nhà xe chuyên tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh nằm rải rác ven Vành đai 3. Xe khách cỡ lớn vào tận cửa văn phòng, hoặc nằm lì, lê la tại cổng bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm đón khách, nhận hàng. Nhiều xe thu tiền không xé vé cho hành khách, thậm chí ngang nhiên dán logo cơ quan báo chí để phô trương thanh thế.
Công ty Lữ hành du lịch quốc tế Phúc Lợi, có văn phòng tập kết hành khách, hàng hóa tại số 71 Khuất Duy Tiến, sử dụng nhiều xe trung chuyển, đón khách từ văn phòng ra Bến xe Nước Ngầm. Riêng chuyến khởi hành lúc 23 giờ 15 phút, lợi dụng vắng bóng lực lượng chức năng, xe khách 45 giường mang BKS: 37B - 108.58 vào tận số 71 Khuất Duy Tiến để đón khách. Đặc biệt, xe khách 37B - 108.58 dán logo và dòng chữ: Báo An ninh Thủ đô choán gần hết sườn xe. Hành khách có thể gọi điện đặt chỗ trước, giá vé 230.000 đồng/người. Gần đó, Công ty Vận tải Thanh Xuân lập văn phòng tại số 102 C3 Khuất Duy Tiến; đón khách đi Nghệ An bằng xe giường nằm; chuyến sớm nhất là 19 giờ, muộn nhất 23 giờ. Theo dõi chiếc xe mang BKS: 29B - 090.27 của đơn vị này trong nhiều ngày cho thấy, xe đón khách rồi đi thẳng ra đầu cao tốc Pháp Vân, "nằm" tại đây khoảng 30 phút để bắt thêm khách rồi mới chịu di chuyển tiếp. Giá cước mỗi lượt Công ty Thanh Xuân thu là 180.000 đồng/người, nhưng không xé vé cho khách.
Ngay chân cầu vượt Mai Dịch, chỉ cách trụ sở Đội CSGT số 6 khoảng 200m là văn phòng của nhà xe Trần Anh, khai thác tuyến Vinh - Hà Tĩnh - Đồng Hới. Văn phòng này có địa chỉ tại 12 Phạm Văn Đồng; hoạt động 4 chuyến/ngày, vào 10 giờ sáng, và từ 21 - 23 giờ, giá vé 200.000 đồng/người. Trước cửa văn phòng xe Trần Anh đã thành nơi tụ tập taxi, xe ôm, ồn ào, nhộn nhịp như một bến xe thu nhỏ. Theo dõi các xe mang BKS: 29B - 602.46, 29B - 128.29 cho thấy, sau khi đón khách, bốc hàng tại 12 Phạm Văn Đồng, các xe này còn di chuyển đến khu vực cổng Bến xe Nước Ngầm, "nằm" thêm 30 phút chờ khách mới chịu lên đường.
Tình trạng nêu trên đã diễn ra từ lâu, gây bức xúc cho người dân, và đặc biệt là các DN vận tải làm ăn chân chính. Đại diện một DN vận tải khách tuyến Hà Nội - Nghệ An (xin giấu tên) chia sẻ: “Không biết vì sao các xe vượt tuyến, trá hình có thể yên ổn hoạt động suốt thời gian qua. Nếu cứ tiếp diễn như vậy, chúng tôi sẽ phá sản, hoặc buộc phải học theo họ, vi phạm pháp luật để tồn tại”.
Lực lượng chức năng ở đâu?
Tối ngày 3/6, đi cùng Tổ công tác của Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm tuần tra tại khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã chứng kiến một cuộc “vây bắt” đầy khó khăn. Phát hiện chiếc xe 16 chỗ BKS: 29B - 108.10 đang xếp khách tại số 28A Phạm Hùng, Tổ công tác chia 2 nhóm chặn trước, chặn sau để kiểm tra. Thấy bóng Thanh tra GTVT, chủ xe lập tức khóa cửa, cho xe luồn lách vào ngõ Simco 2 phía sau văn phòng. Khi Tổ công tác bắt kịp, hành khách trên xe đã xuống gần hết. Tài xế và chủ xe cự cãi quyết liệt, không công nhận lỗi vi phạm.
Sau hàng giờ tranh luận với hình ảnh không thể chối cãi, tài xế mới chịu ký vào biên bản, nhận lỗi trung chuyển hành khách đến Bến xe Nước Ngầm mà không có hợp đồng. Đây là xe trung chuyển của nhà xe Nhuận Năm, đăng ký hoạt động tuyến Nước Ngầm - Nghệ An, đón khách 4 lượt/ngày tại 28A đường Phạm Hùng. Đại diện Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm cho biết, công tác xử lý vi phạm xe khách “trá hình” vô cùng khó khăn, phức tạp. Các nhà xe khi bị phát hiện lỗi thì xin xỏ, không được sẽ cự cãi, chây ì, không chịu ký vào biên bản.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý xe khách “trá hình” là không hề dễ, nhưng liệu có phải vì vậy mà lực lượng chức năng nản lòng(?). Ghi nhận tại nhiều điểm đón trả khách tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh dọc trục đường Vành đai 3 cho thấy, hiếm khi xuất hiện bóng dáng lực lượng chức năng. Các văn phòng này vừa bán vé tại chỗ, vừa nhận đặt vé qua điện thoại, ngang nhiên lập bến “cóc” đón khách, nhận hàng, hoạt động nhộn nhịp bất kể ngày đêm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tuần tra, xử lý vi phạm xe khách “trá hình”của các lực lượng chức năng thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Mỗi khi dư luận, báo chí phản ánh, lực lượng chức năng lại ra quân, kiểm tra, xử phạt nhưng thiếu giám sát, hậu kiểm nên vi phạm liên tục tái diễn. Người vi phạm ngày càng “nhờn” luật...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần