Xe ôm, taxi ế ẩm, shipper đắt khách

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội bắt đầu vào đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao, có nơi lên tới 40oC. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân ngại ra đường nếu không cần thiết. Điều này khiến tài xế công nghệ, taxi gặp nhiều khó khăn, trái ngược với sự tất bật của các shipper - những người làm dịch vụ giao hàng.

 Trời nắng nóng khiến dịch vụ giao hàng tăng mạnh.
Khó thêm khó

Anh Trần Xuân Chung (35 tuổi, quê Nam Định), lái taxi cho một hãng xe công nghệ tại Hà Nội đã tỏ ra khá buồn khi theo dõi tin tức về dịch Covid-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp trong nước. Gắn bó với nghề hơn 6 năm, nếm trải đủ mọi khó khăn nhưng dịch Covid-19 liên tục ập đến khiến công việc ngày càng thêm khó. Anh chia sẻ: "Đợt dịch ập đến năm ngoái, tôi đã phải về quê tìm việc để cải thiện thu nhập. Khi dịch lắng xuống, tôi quay lại Hà Nội tiếp tục công việc và lượng khách cũng dần ổn định. Nhưng thời gian gần đây, rất khó để đón được một lượt khách. Nhiều lúc tôi chỉ muốn bán xe và làm việc khác nhưng xe bán thì lỗ nặng mà tôi cũng không biết làm gì sau đó".

Không chỉ với tài xế taxi, nhiều xe ôm công nghệ cũng "méo mặt" khi lượng khách bỗng đột ngột giảm sâu. Thời tiết nắng nóng, cộng với lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh khiến người dân hạn chế ra ngoài. Anh Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi, trú tại Hà Đông), một tài xế Grabbike cho biết, lúc dịch đã lắng xuống, một ngày anh chạy được 20 - 25 chuyến, giờ may lắm được 10 chuyến/ngày. Sau khi trừ hết chi phí, thu về chưa đến 200.000 đồng/ngày. Với số tiền này, nếu không chắt chiu cũng chỉ đủ trang trải qua ngày ở TP. "Hà Nội đang trong đợt nắng gắt, chúng tôi vẫn phải bám đường để kiếm thêm thu nhập, dù nhiều lúc bỏng rát cả mặt" - anh Dũng chia sẻ.

Dịch vụ giao hàng lên ngôi

Trong khi tài xế taxi hay xe ôm công nghệ đang chật vật mưu sinh vì dịch Covid-19 và thời tiết nắng nóng, các shipper lại tất bật chạy đưa nhận đồ khi đơn liên tục tăng. Anh Nguyễn Đình Phương (31 tuổi, trú tại Đội Cấn), làm nhân viên giao hàng gần một năm nay cho biết, thời điểm này, số lượng đơn đang có xu hướng tăng, khiến công việc này của anh bận rộn hơn rất nhiều.

Vốn là nhân viên kinh doanh của một công ty, anh Phương chạy thêm công việc này để kiếm thêm thu nhập vào mỗi tối. Nhưng khi nhu cầu mua sắm online tăng mạnh vì nhiều cửa hàng đồng loạt tăng cường bán trực tuyến cũng như các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada...) tung nhiều chương trình khuyến mãi đã khiến đơn hàng giao nhận nhiều lên, anh đã tranh thủ chạy thêm cả buổi trưa. "Buổi trưa, tôi thường chọn những đơn gần với công ty hoặc cùng giao trên một con đường như thế sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian. Nếu chăm chỉ chạy từ 10 - 15 đơn cũng đút túi từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày, sau khi trừ hết chi phí như xăng xe hay phụ thu" - anh Phương nói.

Anh Nguyễn Văn Lộc (40 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm) là tài xế giao nhận hàng hơn 2 năm nay cho biết, những ngày này, anh vẫn giao hàng xuyên trưa, có hôm nhiều đơn quá quên cả ăn. "Khắc phục cái nắng nóng khi vào Hè, vừa để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi đều cố gắng thực hiện tốt thông điệp 5K" - anh Lộc chia sẻ.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho các ngành kinh tế. Tuy nhiên, những biến động này đang giúp các dịch vụ trực tuyến thêm phát triển, làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo ra cơ hội mới đối với DN. Đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho một lực lượng lao động nhất định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần