Xe ôm trong vòng xoáy công nghệ

Nguyễn Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc ứng dụng công nghệ thông qua điện thoại thông minh (smartphone) như GrabBike và UberMoto, việc kết nối giữa khách hàng với tài xế xe ôm được thực hiện khá nhanh chóng.

Thủ tục đăng ký trở thành xe ôm “công nghệ” cũng thuận tiện, thời gian hoạt động cũng rất linh hoạt. Nhưng chính điều đó cũng đang gây nên những xung đột với người làm nghề xe ôm truyền thống...
Từ tiện lợi...
Với xe ôm truyền thống, điều khiến khách hàng suy nghĩ nhất có lẽ là việc phải “mặc cả” giá mỗi lượt đi. Nhưng với hình thức Grab hay Uber, mức giá cho đoạn đường đã được công bố rõ khi khách đặt chuyến. Tài xế cũng ít phải "dầm mưa, dãi nắng" tìm kiếm khách hàng mà sẽ có tin nhắn thông báo của hệ thống bao gồm đường đi, vị trí đón khách, giá cước chuyến đi... Dịch vụ này còn có ưu điểm là cho phép khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Với nhiều tiện ích, vì vậy, khách hàng yên tâm, thoải mái hơn. Chị Nguyễn Thị Oanh ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình cho biết: “Ưu điểm dịch vụ GrabBike là giá rẻ; 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo. Ngoài ra, tôi lại được biết đầy đủ thông tin về lái xe chở mình, từ họ tên, hình ảnh nhận diện, biển số xe, số điện thoại lái xe... nên rất yên tâm về dịch vụ”.

Xe ôm Grab ngày càng phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Công Hùng

Hiện nay, điều kiện để trở thành một tài xế của Grab, Uber khá đơn giản. Chỉ cần có xe máy và một chiếc smartphone cùng một số loại giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ như giấy đăng ký xe, bằng lái xe, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu... Sau khi làm xong thủ tục, người đăng ký sẽ được công ty hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo mưa, khẩu trang... Vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không đòi hỏi điều kiện khắt khe nên thời gian qua, loại hình vận tải khách này được nhiều người đăng ký tham gia. Hoàng Văn Đức, sinh viên Đại học Công Đoàn, đồng thời cũng là tài xế xe ôm Grab bike cho biết: “Mỗi chuyến đi, bên công ty giữ lại của lái xe 15%. Ngoài thời gian học, em thường chạy được 8 - 10 chuyến/ngày. Những hôm nghỉ học được 20 - 30 chuyến/ngày. Bình quân mỗi tháng em cũng kiếm được khoảng 4 - 5 triệu đồng”. Còn đối với những tài xế làm cả ngày, sau khi trừ chi phí xăng xe, điện thoại và 15% tiền phí thì thu nhập bình quân mỗi ngày không ít người có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
... đến xung đột
Từ khi xuất hiện đến nay, giữa tài xế xe ôm “công nghệ” và những người lái xe ôm truyền thống đã sớm phát sinh những xung đột. Đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất đặt ra đối với tài xế xe ôm “công nghệ”. Trong khi lái xe ôm truyền thống thường là những người lớn tuổi, thì tài xế xe ôm thời công nghệ lại trẻ trung, năng động. Thêm vào đó, với những ưu việt vượt trội, xe ôm “công nghệ” đã dần chiếm hết khách của xe ôm truyền thống. Điều này là nguyên nhân khiến cho những người lái xe ôm truyền thống thường không “vừa mắt” với những người chạy xe ôm cho các hãng Grab, Uber. Hoàng Văn Thanh, sinh viên Đại học GTVT chia sẻ: “Hồi đầu năm, khi mới tham gia chạy GrabBike em chưa có kinh nghiệm nên cũng xảy ra va chạm với xe ôm truyền thống. Hôm đó, sau khi trả khách ở bến Mỹ Đình, có khách lớn tuổi lại bảo em chở về Cầu Giấy. Chưa kịp lên xe thì đã có mấy chú xe ôm chạy lại và bảo em tranh khách của họ. Có người còn cầm mũ bảo hiểm định đánh em. Khách sợ quá nên gọi taxi. Sau lần đó, em cũng chẳng dám bắt khách tại các bến xe nữa”.
Xung đột giữa xe ôm "công nghệ" với xe ôm truyền thống đã khiến cho nhiều người chạy xe GrabBike và UberMoto luôn cảnh giác. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, xe ôm “công nghệ” đang trở thành xu hướng mới, là sự lựa chọn của phần lớn khách hàng tại các đô thị. Vì vậy, để không bị đào thải, những lái xe ôm truyền thống cũng cần tìm cách thích nghi nếu không muốn bị đào thải trước xu thế phát triển tất yếu của thị trường.