Xe quá tải tung hoành tại Đan Phượng

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn huyện Đan Phượng, đặc biệt là các tuyến đường đê. Trong khi người dân ngày đêm lo lắng bất an, công tác xử lý “hung thần” xe tải lại chỉ ở mức độ cầm chừng.

 Xe quá khổ, quá tải vẫn ung dung qua lại địa bàn huyện Đan Phượng.

Sống chung với “hung thần”

Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, vấn nạn xe quá khổ, chở quá tải gây mất ATGT, hư hại hạ tầng đường sá tại Hà Nội đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, “hung thần” xe quá tải vẫn còn đất diễn do sự thiếu quyết liệt của lực lượng chức năng, đơn cử như huyện Đan Phượng.
Việc kiểm soát tải trọng tại các bến cát, bãi tập kết vật liệu xây dựng tại Đan Phượng cần sự phối hợp của nhiều lực lượng và chính quyền địa phương. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Đan Phượng chưa thành lập được đoàn liên ngành nào để kiểm tra xe quá khổ, quá tải cũng như hoạt động của các bến bãi.

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Đan Phượng Phạm Huấn

Đan Phượng nằm trên trục đường QL32, TL417, đường đê Hữu Hồng... Dọc bờ hữu sông Hồng, qua các xã: Thọ Xuân, Trung Châu, Liên Hồng… lại có hàng loạt điểm khai thác cát, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Do đó, xe tải nặng, chuyên chở đất, cát, gạch, đá đi qua địa bàn huyện không hề ít. Ghi nhận thực tế cho thấy, những chiếc xe cơi nới thành thùng, chở quá tải hàng chục tấn, thậm chí gấp 3 - 4 lần tải trọng cho phép, hoạt động trên nhiều tuyến đường huyện Đan Phượng. Đặc biệt, trên tuyến đê Hữu Hồng, qua địa bàn các xã: Trung Châu, Thọ Xuân, Liên Hồng... hay đường N4, Nguyễn Thái Học, QL32…, xe quá tải nườm nượp qua lại suốt đêm ngày.

Những chiếc xe “hổ vồ” ba, bốn chân cơi nới thành thùng, chở đất cát cao ngất ngưởng, chạy như gió cuốn, còi hơi đinh tai nhức óc đã trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh với người dân địa phương. Không những thế, xe quá khổ, quá tải che chắn sơ sài, thậm chí không che chắn, đi tới đâu rải thảm đất cát, bụi bặm tới đó. Nhiều tuyến đường bị tàn phá, lún nứt, ổ voi, ổ gà xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là những tuyến đê vốn chỉ cho phép xe có tải trọng từ 12 tấn trở xuống.

Theo phản ánh của người dân, xe quá tải hoạt động nhộn nhịp nhất từ 3 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Anh Vũ Văn Khoa - người dân sống bên tuyến đê Hữu Hồng bức xúc nói: “Xe tải chở đất, cát cao ngất, chạy trên đường đê nhỏ hẹp như mắc cửi; cứ vài phút lại có một chuyến. Mỗi lần xe tải đi qua là nhà tôi rung lên như có động đất, cửa nhà thì phải đóng quanh năm phần vì khói bụi, phần vì sợ trẻ con chạy ra đường nguy hiểm vô cùng”.

Mỗi tháng phạt được… 2 xe

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Đan Phượng Phạm Huấn cho biết, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã xử lý 151 trường hợp xe tải vi phạm quy định về ATGT, phạt hành chính trên 300 triệu đồng. Nhưng đáng chú ý là, trong 7 tháng qua, Đội Thanh tra GTVT huyện Đan Phượng mới chỉ lập biên bản xử lý có 13 trường hợp quá khổ, quá tải; cắt thành thùng 5 xe quá khổ. Như vậy, bình quân mỗi tháng, đơn vị chỉ xử phạt được… 2 xe quá khổ, quá tải; trong khi chỉ vài giờ túc trực trên QL32 và đường đê Hữu Hồng, phóng viên đã ghi nhận được không dưới 20 xe quá tải.

Lý giải hiện tượng này, ông Huấn cho rằng, lực lượng của đội mỏng, chỉ có 9 người, lại phải phối hợp nhiều công tác khác trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, hiện tuyến đê hữu Hồng tồn tại nhiều biển cấm, biển hạn chế trọng tải chưa phù hợp với quy chuẩn nên rất khó khăn trong công tác xử lý. Tuy nhiên, khi được phóng viên cung cấp hình ảnh xe quá tải vượt mặt biển cấm trên tuyến đê qua địa bàn thị trấn Phùng, ông Huấn thừa nhận biển cấm này là phù hợp với quy chuẩn và xe chở như vậy là quá trọng tải.

Bám sát địa bàn huyện Đan Phượng trong những ngày qua cho thấy, xe quá khổ, quá tải xuất hiện nhan nhản khắp nơi nhưng CSGT, Thanh tra GTVT… lại như “bóng chim tăm cá”. Đặc biệt, Đội CSGT số 9, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội và Công an huyện Đan Phượng lại càng hiếm khi xuất hiện trên những tuyến đường đang ngày ngày gồng mình chịu trận dưới chân “hung thần” xe tải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần