Xem xét về việc dừng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vinpearl Air

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Dũng về việc dừng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air.

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời Nhà đầu tư về việc dừng phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, không phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp (nếu có) do việc dừng triển khai thực hiện dự án theo đề xuất của Nhà đầu tư.
 Hãng bay Vinpearl Air đã không xuất hiện như kỳ vọng.
Trước đó, ngày 14/1, Vingroup phát đi thông cáo báo chí về việc rút khỏi lĩnh vực hàng không. Trong thông cáo phát đi, Vingroup cho biết tập đoàn này vừa gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là Công nghệ và Công nghiệp của Vingroup.
Theo Vingroup, quyết định định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên. Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.
Lý giải về quyết định rút lui khỏi lĩnh vực hàng không của tập đoàn, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các Công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.
Theo chiến lược phát triển đã được công bố năm 2018 của Vingroup thì tập đoàn này đặt mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam trong 10 năm tới. Để thực hiện chiến lược này, tháng 12/2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp. Vingroup khẳng định, quyết định dừng đầu tư kinh doanh vận tải Hàng không là bước đi nhất quán trong việc tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi của tập đoàn.
Tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực hàng không của Vingroup khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Bởi trước đó, vào ngày 24/7/2019, tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần