Xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh: Sửa đổi sẽ không còn tranh cãi?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lùm xùm về việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước liên quan đến các trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Thu Bồn, nhạc sĩ Thuận Yến… vừa kết thúc chưa được 2 tháng.

Sáng 22/8, Bộ VHTT&DL đã phải tổ chức hội nghị bàn việc giảm tỷ lệ phiếu bầu, tạo các cơ chế mềm cho các trường hợp không có huy chương, giải thưởng… để giảm bớt tranh cãi cho kỳ xét tặng năm 2020.
Vẫn lo sót người tài
Trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016, những tên tuổi lớn như nhà văn Thu Bồn, đạo diễn Trần Bảng, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo… từng tưởng “trượt” giải thưởng vì thiếu các tiêu chuẩn về huy chương và giải Vàng. Trong số họ, người may mắn được xét lại, người thì bổ sung giải thưởng, người thì chờ đến sự xem xét của Chính phủ. Lỗi của việc không có các giải thưởng không phải vì tác giả, mà vì điều kiện lịch sử không cho phép tổ chức các cuộc thi. Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL cho rằng: “Khi xây dựng Nghị định 90/2014/NĐ-CP không phải cơ quan chuyên ngành không nghĩ đến các tác giả không có giải thưởng, nên chúng tôi đề xuất xem xét bổ sung các trường hợp được trao tặng huân, huy chương.
Quang cảnh hội nghị bàn dự thảo sửa đổi Nghị định giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng huân, huy chương là trao tặng cho đóng góp của nhân thân với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, còn giải thưởng là đóng góp của tác phẩm và đã là quy chế thì không thể có cơ chế mềm”. Hoặc nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho biết với các chuyên ngành đặc biệt như điêu khắc trong 20 năm, Bộ chỉ tổ chức 4 cuộc thi, tổng cộng có 24 người đạt giải trong hàng nghìn người tranh giải. Không kể những ngành không bao giờ chấm giải như tượng đài thì có cống hiến cả đời cũng không mơ bước chân đến giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh nếu cứ cứng nhắc các tiêu chí này.
Không phải chờ đến trường hợp của nhà thơ Xuân Quỳnh, hay nhà văn Thu Bồn…, Bộ VHTT&DL mới thấy vướng, nhưng rõ ràng sau các trường hợp đó, dư luận lên tiếng mạnh mẽ khiến các cơ quan quản lý ngồi lại và bàn bạc sửa đổi Nghị định 90. Theo đề xuất của dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ VHTT&DL cho rằng: Việc quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm cho các tác phẩm là chưa phù hợp. Cụ thể với các trường hợp những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng niềm Nam hoặc các chuyên ngành do điều kiện khách quan nên Bộ không tổ chức các cuộc thi, liên hoan hàng năm. Dự thảo đề xuất, thay đổi quy định này với các trường hợp đặc biệt bằng việc lấy ý kiến thống nhất thông qua bỏ phiếu cho các tác phẩm ở các cấp hội đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ số phiếu đồng ý phải cao hơn các trường hợp đủ giải thưởng là 10%.
Vận động mới được 90% phiếu bầu
Theo quy định của Nghị định 90, một tác giả với tác phẩm, cụm tác phẩm phải đạt 90% số phiếu đồng ý của thành viên Hội đồng các cấp mới đủ cơ sở để xem xét tặng. TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian phân tích: “Chiểu theo quy định này chỉ cần 1 phiếu không bỏ là trượt”. Còn nhà văn Chu Lai - thành viên Hội đồng các cấp xét tặng Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 thừa nhận: “Chỉ cần yêu, ghét khi bỏ phiếu là mất đi cả đời sáng tác”. Chưa kể thành phần của Hội đồng cấp Nhà nước bao gồm cả lực lượng công an, vũ trang, các thành viên không thuộc chuyên ngành đang xét lại không có thời gian đọc tác phẩm, thì tác giả đứng trước nguy cơ trượt giải thưởng rất cao.
“Nếu để tỷ lệ phải đạt 90% phiếu bầu như quy định cũ thì chỉ có bảo nhau, vận động mới đủ. Nghệ thuật không thể lấy số đông, mà cá tính của nghệ sĩ lớn. Sự sáng tạo của nghệ sĩ này chưa chắc được nghệ sĩ khác công nhận nhưng lại được công chúng tôi vinh” - nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường bày tỏ. Chính vì quy định đạt tỷ lệ 90% phiếu bầu trong Nghị định 90, nên GS Lê Hồng Lý đã tiếc cho nhạc sĩ Bảo Ninh trượt giải vì thiếu 1 phiếu bầu.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 đề xuất giảm tỷ lệ từ 90% đồng ý xuống còn 75 - 80%. Bởi theo ông Hoàng Minh Thái, Nghị định 90 học tập tiêu chí xét tặng của ngành khoa học công nghệ đã có trước đó. Song với ngành khoa học, các công trình nghiên cứu rất dễ cho ra phép tính, còn với văn học nghệ thuật là sự sáng tạo đặc thù. “Tiêu chí 90% đúng là chữa bệnh theo kiểu bốc thuốc” - ông Thái nhấn mạnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho rằng con số 90% là lý tưởng, nhưng không có tác phẩm văn học nghệ thuật nào 9 người ủng hộ, 1 người không. Cho dù, nhiều ý kiến tại hội nghị phản đối việc giảm tỷ lệ như đề xuất của dự thảo sửa đổi Nghị định, vì cho rằng như vậy là hạ thấp giá trị giải thưởng. Nhưng nhiều đại biểu hướng đến sửa đổi giảm tiêu chí tỷ lệ phiếu bầu đồng ý như của thành viên các Hội đồng như đề cập của dự thảo.
Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Trần Hữu Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Khập khiễng giải cao - giải thấp
Có một bất cập tại Nghị định 90 cũng được các đại biểu quan tâm, đó là các tác phẩm, cụm tác phẩm nếu đã làm hồ sơ xét tặng giải thưởng Nhà nước thì không được tiếp tục mang đi xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo nhà văn Chu Lai, nhiều trường hợp tác phẩm xét giải thưởng Hồ Chí Minh không xuất sắc bằng giải thưởng Nhà nước vì tác giả đã chọn hết các tác phẩm hay, tinh túy cho lần xét tặng đầu tiên. Tuy nhiên, vì cả đời cống hiến cho nghệ thuật, tác giả vẫn mong muốn có được giải thưởng Hồ Chí Minh, nên tác giả lại vắt kiệt sức cho sáng tác mới, cho dù thời kỳ hưng thịnh nhất của sáng tạo đã qua. Vì thế xảy ra trường hợp khập khễnh, giải thưởng Hồ Chí Minh tuy cao hơn, uy tín hơn nhưng tác phẩm lại chưa chắc có giá trị bằng giải thưởng Nhà nước. Đây là điều cần suy nghĩ để điều chỉnh, tháo gỡ.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đề xuất nên kế thừa hồ sơ giải thưởng Nhà nước lên giải thưởng Hồ Chí Minh. “Nếu tác phẩm được giải thưởng Nhà nước rồi, đề nghị kèm công nhận xem xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta nên chấp nhận, bởi giải Hồ Chí Minh cao hơn Nhà nước. Giải thưởng là đánh giá công lao, đóng góp của tác giả cho nền nghệ thuật nước nhà nên cần xem xét góc độ đó” - ông Thành nhấn mạnh. Ngược lại, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh không đồng tình với ý kiến này. Ông Hải cho rằng tác phẩm dưới mang lên xin giải thưởng cao hơn không chỉ ông mà nhiều thành viên khi ngồi hội đồng xét tặng đều buồn cười. Theo ông Hải, các tác giả nên lựa chọn tác phẩm khi làm hồ sơ, có thể để lại các tác phẩm xuất sắc hơn cho lần xét giải sau.
Lùm xùm của việc xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đã vọng lên cả cơ quan của Chính phủ. Không thiếu đơn thư thắc mắc sự cứng nhắc trong tiêu chí xét tặng được gửi đến lãnh đạo cấp T.Ư. Trong cuộc họp của Chính phủ đầu tháng 3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo, “không thể vì một quy trình máy móc nào mà cản trở những tài năng đã đóng góp cho đất nước”, khi yêu cầu Bộ VHTT&DL xem xét sửa đổi Nghị định xét tặng. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo, Bộ VHTT&DL đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 90 nhằm không bỏ sót nhân tài trong các lần tôn vinh sau.
“Không còn yêu cầu tác giả làm đơn xin xét tặng để tránh tình trạng phải xin - cho giải thưởng. Theo quy định của Nghị định xét tặng, tác giả chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ đến Hội đồng cấp cơ sở, là điều kiện xem xét trong quá trình xét tặng tại ba cấp Hội đồng. Quy định này giảm thiểu phiền hà và tiết kiệm cho các tác giả khi làm hồ sơ, đảm bảo thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính” (trích báo cáo dự thảo sửa đổi Nghị định 90).
“Câu chuyện lùm xùm về xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh khiến người ta bị đông lạnh. Nhưng đồng thời lùm xùm tạo cũng tạo nên thương hiệu của nhạc sĩ này, nhà thơ kia. Vì đi qua lùm xùm họ vẫn chói sáng, như trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Thu Bồn” - nhà văn Chu Lai - thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh ba cấp năm 2016.