Xét tuyển đại học năm 2017: Nơi quá tải, chỗ đìu hiu

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các trường đại học (ĐH) top trên phải gạt đi rất nhiều thí sinh (TS) điểm cao vì nguồn tuyển quá dồi dào, thậm chí, thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt, thì khối trường top dưới phải chờ đến ngày nhập học mới biết đạt bao nhiêu chỉ tiêu.

Nhiều ngành điểm ngang sàn
Năm nay, điểm thi THPT quốc gia cao hơn năm ngoái, lại có những “cơn mưa điểm 10”, song điểm trúng tuyển ở nhiều trường ĐH top giữa và dưới chỉ ở mức trên sàn 0,5 đến 1 hoặc 2 điểm. Không những vậy, nhiều trường chỉ lấy điểm trúng tuyển ngang sàn của Bộ GD&ĐT, nhưng chưa chắc đã tuyển đủ chỉ tiêu.
Cũng như năm 2016, đợt 1 này, 10/10 mã tổ hợp của ĐH Lâm nghiệp có điểm trúng tuyển bằng sàn 15,5 điểm. Và nếu năm ngoái, điểm trúng tuyển vào các ngành của ĐH Thủy lợi rất cao và chỉ xét tuyển bổ sung với số lượng rất ít, thì năm nay tình hình ngược lại. Trong số 14 mã nhóm ngành, trường chỉ có 3 mã nhóm ngành có điểm trúng tuyển 16,5 - 18 điểm, các ngành còn lại điểm chuẩn 15,5 - 16. Đáng lưu ý, có những ngành truyền thống của trường, nhu cầu nhân lực lớn như Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật hạ tầng, Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật trắc địa – bản đồ, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hóa học, số lượng trúng tuyển lại ít. PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết 3 lý do khiến tuyển sinh khó là năm nay TS được đăng ký không giới hạn nguyện vọng (NV); NV 1, 2, 3, 4, 5… đều có giá trị giống nhau, không phân biệt trong xét tuyển; nhiều TS chưa thực sự hiểu về ngành nghề của trường, cứ đăng ký theo phong trào mà không biết chất lượng đào tạo đến đâu.
 Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc bài thi môn Văn tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Trãi năm 2017.  Ảnh:  Hải Linh
ĐH Công nghệ GTVT cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cũng đều có điểm trúng tuyển ngang sàn 15,5 điểm. Tại cơ sở đào tạo Hà Nội, cũng có nhiều ngành thuộc về thế mạnh của trường, điểm trúng tuyển chỉ nhỉnh hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT 0,5 điểm. Cụ thể, ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp, Khai thác vận tải, Công nghệ kỹ thuật môi trường…
Nhiều trường sẽ thiếu chỉ tiêu
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ TS trúng tuyển làm thủ tục nhập học sẽ đạt tới 90%, tính cả NV1, 2, 3, 4, 5. Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường không đồng tình, bởi tỉ lệ này có thể đúng với những trường top trên có NV1 rất đông. Còn đối với những trường top giữa và dưới, đa số TS đăng ký NV3, 4, 5… tỉ lệ nhập học chỉ khoảng 30 - 40%. Cho nên, dù có gọi TS đợt 1 vượt 10% hay nhiều hơn nữa, chắc chắc nhiều trường vẫn phải tuyển bổ sung. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, ĐH Thủy lợi dự kiến xét tuyển bổ sung khoảng 700 chỉ tiêu cho tất cả các ngành.
Cũng vì thế, trong thông báo điểm trúng tuyển NV đợt 1, ĐH Lâm nghiệp đã thông báo luôn việc xét tuyển NV bổ sung đợt 2 đối với tấc cả các ngành học tại 2 cơ sở. Giống như đợt 1, nhà trường xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12 bậc THPT. Nếu tính theo tỉ lệ nhập học 90% của Bộ GD&ĐT, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội dự tính phải tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho 5 ngành bậc ĐH, bao gồm: Công nghệ may; Công nghệ sợi, dệt; Quản lý công nghiệp; Công  nghệ kỹ thuật cơ khí và thiết kế thời trang. Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường dự báo: Từ nay đến ngày 7/8 mới biết con số chính xác bao nhiêu %, nhưng có 2 khả năng dễ xảy ra: Thứ nhất, tỉ lệ nhập học chung không bao giờ đạt 90% bởi rất nhiều trường top dưới dù gọi chung chỉ tiêu thì đủ nhưng số các NV 3,4, 5 nhiều. Các trường top giữa đều tuyển sinh bằng học bạ lẫn kết quả THPT quốc gia, nên những em trúng tuyển bằng điểm thi sẽ nộp học bạ vào chính trường đó hoặc trường khác theo NV1. Thứ hai, xét tuyển lần 1 trường nào chốt ở mức điểm cao, chỉ tiêu thiếu do TS đăng ký NV 3, 4, 5 không đến mà không được phép hạ điểm trúng tuyển thì sẽ thiếu khá nhiều chỉ tiêu. Bởi những em gần điểm nhà trường xét tuyển đã đi học, số TS dưới điểm lại không có cơ hội đi học vì trường không hạ điểm so với đợt 1 xét tuyển.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 1/8 cho thấy, ngay trong đợt 1 xét tuyển ĐH chính quy đã có tới 170 trường tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên đã có 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).

Điểm cao vẫn trượt vì chế độ ưu tiên chưa hợp lý?
Mấy ngày nay, dư luận khá ồn ào khi nhiều TS ở TP đạt điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt vào các trường top đầu. Đã có những ý kiến cho rằng, nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp. 

Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Đào Tuấn Đạt: Muốn công bằng thì không nên cộng điểm
Bây giờ điều kiện học hành của học sinh thành thị hay nông thôn không khác gì nhau, vì thế chỉ nên quy định một mức điểm. Cụ thể là học sinh ở những vùng này không được cộng điểm ưu tiên. Đối với những TS ở miền núi và hải đảo đi học đại học (ĐH) về phục vụ cho địa phương thì áp dụng chính sách đào tạo theo địa chỉ mà trước đây chúng ta vẫn làm. Chẳng hạn, một ngành có 500 chỉ tiêu, có điểm trúng tuyển 20 thì nhà trường dành 450 chỉ tiêu cho tất cả mọi người, 50 suất dành cho học sinh miền núi và hải đảo. Như vậy, đối với những TS ở miền núi và hải đảo đạt 20 điểm thì cũng vào nhóm 450 chỉ tiêu, còn với những bạn cũng thuộc đối tượng này nhưng dưới mức điểm 20 thì đăng ký vào nhóm 50 suất. Có như vậy mới công bằng, để không xảy ra tình trạng ngành Bác sĩ đa khoa chỉ toàn TS ở vùng xa, còn TS Hà Nội không có cơ hội.
Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền:
Không đơn giản bỏ được cộng điểm ưu tiên khu vực
Tại Điều 7 của quy chế tuyển sinh ĐH đã quy định rõ các đối tượng ưu tiên theo khu vực. Theo đó, TS thuộc KV2 có điểm ưu tiên là 0,5, KV2- nông thôn được cộng 1 điểm, KV1 được cộng 1,5 điểm. Đây là thiết kế theo thang điểm truyền thống 30. Nếu có thay đổi thì mức độ cộng điểm ưu tiên nên giảm nhẹ nhưng phải xin ý kiến của Ủy ban Dân tộc. Bởi đây là chính sách về việc nâng cao dân trí cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là dân tộc ít người. Mọi người cứ nói em ở vùng sâu, vùng xa có điểm thi thấp hơn, nhưng khi cộng các loại điểm ưu tiên thì lại đỗ. Đương nhiên là thế. Xét một cách công bằng, bạn ở TP về vùng nông thôn học, liệu có đạt được kết quả như người ta không? Những học sinh ở vùng cao như Sơn La có điều kiện học tập chắc chắn khó khăn hơn ở Hà Nội, việc cộng điểm là cách để cho các em ấy có cơ hội được đi học ĐH. Chính sách cộng điểm chính là thể hiện sự công bằng. Còn nếu, bạn ở Sơn La, có bố là giám đốc sở, nhà biệt thự thì khác. Nhưng người ta không làm chính sách cho một vài cá nhân.

Chị Nguyễn Thu Hằng, quận Hai Bà Trưng: Nên giảm bớt ưu tiên
Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh vẫn nên được thực hiện cho TS ở các vùng miền, bởi liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Thế nhưng, phải giảm bớt điểm ưu tiên thì sẽ hợp lý hơn cũng như tạo ra sự công bằng cho TS ở các khu vực khác nhau. Chẳng hạn TS ở KV2 được cộng 0,5 điểm, tương tự KV2 – nông thôn 0,75 điểm và KV1 là 1 điểm.  Sở dĩ năm nay xảy ra tình trạng nhiều TS điểm cao, nhưng vẫn trượt ĐH vì đề thi THPT quốc gia dễ và không phân loại rõ được TS. Số TS đạt mức điểm cao quá nhiều, nhiều người nói là “mưa điểm 10”. Điều này cũng thể hiện ở phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra có độ dốc thoai thoải ở phần điểm 6 – 10 ở tất cả các môn. Nếu phổ điểm 8, 9, 10 ít hẳn đi thì việc phân loại TS dễ hơn.