Xét xử đại án thiệt hại trên 3.608 tỷ đồng tại DABank

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do số lượng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và người làm chứng khá đông, lên tới 352 người nên thời gian buổi sáng 27/11, HĐXX chỉ kiểm tra tư cách.

 Bị cáo Phan Văn Anh Vũ được cảnh sát áp giải đến tòa.
Trên 350 cá nhân, tổ chức được triệu tập đến tòa
Sáng 27/11, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) đối với bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DABank); Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, tên khác Phan Văn Sáu, Trần Đại Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 bị cáo.

Tòa cũng triệu tập 352 cá nhân, tổ chức là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng. Phía DABank đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đại diện theo pháp luật là ông Võ Đức Chung.

Vũ “nhôm” ngoài thân phận bị cáo còn có vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bị cáo Vũ còn có một quốc tịch nước ngoài là đảo quốc Antigua and Barbuda (nằm ở phía đông biển Caribe). Trước đó vào tháng 7/2018, bị cáo này đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù về tội “Làm lộ bí mật nhà nước”.

HĐXX cũng triệu tập bà Cao Thị Ngọc Dung (SN 1957, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ), là vợ của bị can Trần Phương Bình đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; đại diện theo pháp luật của PNJ là ông Đào Trọng Đạt, Trưởng bộ phận Pháp chế.
Kê biên 64 triệu cổ phần của Vũ “nhôm” và công ty

Tính đến thời điểm xét xử, các cơ quan chức năng đã kê biên 50 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, gần 14 triệu cổ phần của cá nhân Vũ “nhôm”, 447 m2 đất đứng tên vợ chồng Vũ “nhôm” tại số 78-84 đường Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng. Anh ruột Vũ “nhôm” cũng đã nộp 13 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo này.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, với vai trò là Tổng Giám đốc DABank, Trần Phương Bình chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cáo trạng xác định trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2015, bị cáo Trần Phương Bình lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu kiểm tra giám sát của các bộ phận chuyên môn, Bình chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và các chi nhánh, sở giao dịch lập chứng từ thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DABank trên 3.608 tỷ đồng, gồm: trên 1.160 tỷ đồng mua 74.279.056 cổ phần DABank; trên 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; trên 24,074 triệu USD và 15.779,69 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng trái phép; trên 497 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD và Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DABank; trên 399 tỷ và 1.930 lượng vàng chi sai nguyên tắc 12 khoản. Trong đó lạm dụng chức vụ chiếm đoạt trên 2.047 tỷ đồng, và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại trên 1.561 tỷ đồng.

Trong số tiền thiệt hại trên 3.608 tỷ đồng của DABank, bị cáo Trần Phương Bình chiếm đoạt trên 2.000 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc DABank, chiếm đoạt 40 tỷ đồng)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần