Xét xử “đại gia bất động sản” Dương Thị Bạch Diệp lừa đảo, chiểm đoạt tài sản

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù họp nhiều lần với đại diện của các sở, nhưng không cán bộ nào yêu cầu bà Dương Thị Bạch Diệp xuất trình bản chính giấy tờ nhà đất số 57 Cao Thắng, trong khi tài sản này đã được bà Diệp đem cầm cố.

Từng bị từ chối hoán đổi nhà đất
Sáng 15/3, TAND TP Hồ Chí Minh đưa bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, quê Bình Định, ngụ TP Hồ Chí Minh) từng một thời là “đại gia bất động sản”, ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng bị xét xử với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp là nhóm bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở TN&MT), Lê Văn Thanh (SN 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP, cả 3 đã bị xử tù trong vụ án khác); Nguyễn Thành Rum (SN 1953, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL), Lê Tôn Thanh (SN 1956, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL), Vy Nhật Tảo (SN 1956, Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh), Trần Nam Trang (SN 1959, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính), Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1952, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&TM), Huỳnh Kim Phát (SN 1954, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP).
 Các bị cáo tại phiên tòa sáng 15/3. Từ phải sang: Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt và Lê Văn Thanh.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, năm 2008, thông qua người quen, bà Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (Công ty Diệp Bạch Dương - PV) biết Trung tâm ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh có chủ trương tìm kiếm các đơn vị để hợp tác nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3.
Với mong muốn hợp khối khu đất tại địa chỉ số 179Bis, 181 và 183 Hai Bà Trưng của Công ty Diệp Bạch Dương với nhà số 185 để xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, bà Diệp bàn bạc và đề nghị với ông Vy Nhật Tảo sử dụng bất động sản khác ở số 57 Cao Thắng, quận 3 (của Công ty Diệp Bạch Dương) có giá trị tương đương để hoán đổi với nhà 185 Hai Bà Trưng do Trung tâm ca nhạc nhẹ đang sử dụng. Ngược lại Công ty Diệp Bạch Dương sẽ xây dựng mới Trung tâm ca nhạc nhẹ tại 57 Cao Thắng. Thấy có lợi cho Trung tâm ca nhạc nhẹ nên ông Tảo đã đồng ý.
Sau khi thống nhất phương án hoán đổi, ngày 8/4/2008, bà Diệp đại diện Công ty Diệp Bạch Dương ký đơn xin hoán đổi tài sản nêu trên. Tuy nhiên, thời điểm đó Giám đốc Sở Tài chính là bà Nguyễn Thị Nhơn đã có công văn trình UBND TP Hồ Chí Minh, có nội dung: “Không có cơ sở xem xét phương án hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng với nhà đất 185 Hai Bà Trưng”. Dựa trên ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký công văn không chấp thuận việc hoán đổi hai tài sản trên.
Thế chấp nhà trước khi… hoán đổi
Sau khi bị từ chối hoán đổi tài sản, bà Diệp và ông Tảo tiếp tục bàn bạc, thống nhất về việc Công ty Diệp Bạch Dương hỗ trợ 20 tỷ đồng đế sửa chữa nhà 57 Cao Thắng theo công năng sử dụng của Trung tâm ca nhạc nhẹ. Ngày 4/8/2008, ông Tảo tổ chức họp chi bộ rồi ký báo cáo gửi Sở VH-TT&DL đề nghị hoán đổi tài sản với Công ty Diệp Bạch Dương. Sau đó mời ông Nguyễn Thành Rum - Giám đốc Sở VH-TT&DL thực địa tại số 57 Cao Thắng. Trên cơ sở đó, ông Rum tổ chức cuộc họp Ban Giám đốc Sở VH-TT&DL thống nhất chủ trương xã hội hóa, ủng hộ hợp tác đầu tư để tạo điều kiện cho Trung tâm ca nhạc nhẹ phát triển.
Ngày 15/12/2008, Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (QSHNƠ&QSDĐƠ) số 313/2008/GCN-QSHNƠ&QSDĐƠ đối với nhà 57 Cao Thắng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Lúc này bà Diệp đưa cho ông Tảo xem bản gốc. Do tin tưởng Công ty Diệp Bạch Dương là chủ sở hữu hợp pháp nhà đất số 57 Cao Thắng. Ngày 16/12/2008, ông Tảo đã ký công văn gửi Công ty Diệp Bạch Dương yêu cầu xây dựng tại số 57 đường Cao Thắng theo công năng sử dụng của Trung tâm Ca nhạc nhẹ. Tuy nhiên, ngày 31/12/2008, bà Diệp đã thế chấp tài sản 57 Cao Thắng vay vốn tại Agribank TP Hồ Chí Minh nhưng không báo cho ông Tảo biết.
Đến ngày 11/3/2009, Công ty Diệp Bạch Dương nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng, cải tạo nhà 57 Cao Thắng và được UBND quận 3 cấp giấy phép xây dựng. Trong suốt quá trình sửa chữa nhà 57 Cao Thắng, ông Vy Nhật Tảo và cán bộ Trung tâm ca nhạc nhẹ… không phát hiện nhà 57 Cao Thắng đã được bà Diệp thế chấp vay vốn tại ngân hàng.
Ngày 9/7/2009, Công ty Diệp Bạch Dương tiếp tục có đơn xin hoán đối tài sản, gửi ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong khi nhà 57 Cao Thắng đang đảm bảo cho khoản vay 8.700 lượng vàng SJC theo hợp đồng tín dụng số 1700 ngày 31/12/2008 giữa Công ty Diệp Bạch Dương với Agribank TP Hồ Chí Minh. Sau khi nhận đơn, ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo ông Huỳnh Kim Phát ký công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Tài giao Sở Tài chính phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở VH-TT&DL nghiên cứu và có ý kiến đề xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Thành Tài, ngày 9/9/2009, bà Đào Thị Hương Lan chủ trì cuộc họp có sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành. Tại cuộc họp, Trung tâm Ca nhạc nhẹ và Công ty Diệp Bạch Dương báo cáo về việc đang xây dựng công trình tại số 57 Cao Thắng. Đồng thời bà Diệp chỉ cung cấp cho thành viên dự họp các tài liệu phục vụ việc hoán đổi đều photocopy có công chứng, trong đó có giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ số 313/2008/GCN-QSHNƠ&QSĐƠ ngày 15/12/2008 của nhà 57 đường Cao Thắng do Sở Xây dựng cấp cho Công ty Diệp Bạch Dương. Ngoài ra, bà Diệp không cung cấp thông tin việc tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp tại ngân hàng.
Không cán bộ nào yêu cầu xem bản chính giấy tờ nhà?
Sau đó bà Đào Thị Hương Lan cùng các thành viên buổi họp thống nhất, kết luận việc hoán đổi đã được thực hiện, việc xây dựng Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại số 57 Cao Thắng đã được cấp giấy phép xây dựng, đây là “sự việc đã rồi”.
Tại cuộc họp không có thành viên nào yêu cầu Công ty Diệp Bạch Dương xuất trình bản gốc giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ số 313/2008/GCN-QSHNƠ&QSĐƠ ngàỵ 15/12/2008; Không xác định quyền sở hữu hợp pháp, không bị tranh chấp, thế chấp đối với nhà đất số 57 Cao Thắng. Trên cơ sở cuộc họp, ông Nguyễn Thành Rum giao ông Lê Tôn Thanh thực hiện theo nội dung cuộc họp nêu trên.
Ngày 25/9/2009, ông Lê Tôn Thanh chủ trì cuộc họp có sự tham gia của Trung tâm Ca nhạc nhẹ và Công ty Diệp Bạch Dương, kết luận: “Thống nhất thực hiện việc hoán đổi”. Trên cơ sở này, ông Rum ký công văn gửi Thường trực UBND và Ban chỉ đạo 09 TP Hồ Chí Minh xin chủ trương hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng với nhà đất 57 Cao Thắng.
Tiếp đó vào ngày 13/10/2009, bà Hương Lan chủ trì cuộc họp có sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở VH-TT&DL, Trung tâm Ca nhạc nhẹ và bà Dương Thị Bạch Diệp. Tại cuộc họp, các thành viên tiếp tục thống nhất “Đây là sự việc đã rồi, nên chấp thuận cho thực hiện”.
Căn cứ kết luận tại 2 cuộc họp trên, Công ty Diệp Bạch Dương có văn bản nêu phương án hoán đổi tài sản và đề xuất chi phí cải tạo, xây dựng mới là 25 tỷ đồng và hỗ trợ thêm 5 tỷ để mua trang thiết bị tại 57 Cao Thắng. Từ đây, ông Tảo ký văn bản thống nhất đề xuất hoán đổi nhà và ghi nhận tổng số tiền Công ty Diệp Bạch Dương đầu tư xây dựng, mua sắm tại số 57 Cao Thắng là 30 tỷ đồng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần