Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB: 4 ngân hàng “tranh cãi” số tiền 6.126 tỷ đồng

Bài, ảnh: Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi được HĐXX cho phép nêu quan điểm và kiến nghị, đại diện Công ty TNHH MTV Ngân hàng Xây dựng (CBbank) đề nghị HĐXX tuyên thu hồi số tiền trên 6.126 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại.

Tuy nhiên 3 ngân hàng cho vay gồm: BIDV, Sacombank và TPbank không đồng ý với quan điểm này tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị cáo khác vào ngày 26/1.

CBbank đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng

Tại phiên tòa, đại diện CBbank lập lại yêu cầu HĐXX đưa ra phán quyết thu hồi trên 6.126 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPbank) để khắc phục hậu quả cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Bị cáo Trầm Bê và bị cáo Phạm Công Danh bị áp giải ra xe về trại giam vào chiều 26/1.
Tuy nhiên đại diện BIDV cho rằng yêu cầu của CBbank cũng như đề nghị của Viện KSND về việc thu hồi 6.126 tỷ đồng từ BIDV, Sacombank và TPbank để khắc phục hậu quả cho VNCB, trong đó BIDV bị đề nghị thu 2.550 tỷ đồng là không thuyết phục. Theo đại diện BIDV, việc BIDV cho vay, nhận tiền gửi, nhận cầm cố hợp đồng tiền gửi của VNCB và thu nợ đối với 12 công ty mà VNCB dùng tài sản của họ để bảo lãnh là đã tuân thủ quy định tại các quyết định, thông tư của NHNN, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Dân sự năm 2005… Tại các kết luận giám định (KLGĐ) của tổ giám định thuộc NHNN cũng như các chứng cứ tại hồ sơ, lời khai của các bị cáo, những người liên quan tại phiên tòa công khai, đã khẳng định việc BIDV thu hồi nợ là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng. BIDV cũng không bị thiệt hại.

Luật gia Vương Công Đức (bảo vệ quyền lợi cho Sacombank) cho rằng, khi cho 6 công ty vay vốn, Sacombank căn cứ vào tài sản đảm bảo do VNCB gửi bảo lãnh nhằm đảm bảo được thu hồi vốn vay. Việc VNCB gửi tiền vào Sacombank đã được NHNN đồng ý. Thời điểm giao dịch và kết toán giữa Sacombank và VNCB diễn ra trước khi xảy ra vụ án. Giao dịch được thực hiện đúng quy định pháp luật. Tại các KLGĐ của NHNN cũng khẳng định Sacombank cũng như BIDV, TPbank cho vay, cầm cố tài sản bảo lãnh và thu hồi nợ là hoàn toàn đúng các quy định pháp luật. “Tại phiên tòa hôm nay, CBbank cũng không chứng minh được thiệt hại thế nào. Vì thế CBbank yêu cầu Sacombank phải trả 1.835 tỷ đồng là mơ hồ, vô lý, không phù hợp pháp luật Việt Nam. CBbank tiếp quản VNCB thì phải chịu trách nhiệm. Nay đã quá 3 năm, đã hết thời hiệu dân sự. Thời điểm Sacombank cho vay là giữa các pháp nhân làm việc với nhau. CBbank dù là đơn vị của Nhà nước nhưng cũng cần bình đẳng. Sacombank không thể gánh lỗi do người khác gây ra từ 4 năm trước. Vì vậy, đề nghị HĐXX bác yêu cầu của CBbank lẫn đề nghị của Viện KSND yêu cầu Sacombank trả cho CBbank 1.835 tỷ đồng” - luật gia Đức nói.

Có tạo tiền lệ xấu?

Tương tự, đại diện TPbank cũng cho rằng không có cơ sở pháp lý đối với đề nghị của Viện KSND cũng như yêu cầu của CBbank đòi thu hồi trên 1.736 tỷ đồng từ TPbank để trả CBbank. Nếu việc thu hồi tiền để trả cho CBbank trở thành hiện thực, sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vì giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi, bảo lãnh, nhận bảo lãnh, cầm cố tiền gửi… được thực hiện giữa TPbank và VNCB với tư cách 2 ngân hàng, TPbank không giao dịch với cá nhân ông Phạm Công Danh.

Theo đại diện TPbank, việc ngân hàng này nhận tiền gửi của VNCB là dựa trên các cơ sở pháp lý đã được NHNN công nhận. Việc VNCB phát hành thư bảo lãnh, sử dụng tiền gửi của mình tại TPbank để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cho 11 công ty vay vốn tại TPbank; việc TPbank tất toán hợp đồng tiền gửi; tự động trích tiền gửi của VNCB để thu nợ đã được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

“Trong KLGĐ số 1637 ngày 16/3/2017 của NHNN, khẳng định việc VNCB bị TPbank trích nợ tự động số tiền trên 1.736 tỷ đồng (1.666,8 tỷ đồng tiền gốc, trên 70 tỷ đồng tiền lãi) để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho 11 công ty là phù hợp quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên. Đến thời điểm giám định, TPbank không có thiệt hại. Nội dung nêu trong KLGĐ cũng được ghi nhận trong kết luận điều tra số 44/C46 ngày 6/7/2017 của CQĐT Bộ Công an và cáo trạng ngày 23/11/2017 của Viện KSND Tối cao” - đại diện TPbank nêu quan điểm.

Ông Trần Quý Thanh và con gái không trả tiền

Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quý Thanh và con gái Trần Ngọc Bích) cho rằng, trong phần thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa này, có những ý kiến cho rằng Phạm Công Danh trả lãi ngoài, thực tế ông Thanh, bà Bích không nhận lãi ngoài hay lãi vượt trần. “Có một số ý kiến đề nghị thu hồi số tiền ông Danh đã trả cho ông Thanh, bà Bích. Thân chủ của tôi không vay mượn gì với ông Danh và cũng không có cơ sở kết luận số tiền đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của vụ án. Khoản tiền ông Thanh, bà Bích nhận được là giao dịch hợp pháp. Toàn bộ số tiền gồm 2 giai đoạn của vụ án là 18.000 tỷ đồng. Nếu quyết định thu hồi thì phải thu hồi toàn bộ số tiền này cùng một nguyên tắc như nhau, nhưng thực tế đã không theo cùng một nguyên tắc. Vì vậy không có bất cứ cơ sở nào để thu hồi bất cứ khoản tiền nào của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích trong vụ án này” - luật sư Uyên nói.