Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB: BIDV cho vay theo Luật Các tổ chức tín dụng

Bài, ảnh Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/1, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục bước sang ngày thứ 4 xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), bị cáo Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) cùng 44 bị cáo khác, và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Viện KSND yêu cầu thu hồi tài sản

Tại phiên xử, đại diện Viện KSND thông tin lại việc liên quan đến số tiền hơn 6.126 tỷ đồng, sau khi giám định thiệt hại thuộc về ngân hàng VNCB. Trong quá trình điều tra, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu thu hồi số tiền này cho VNCB để khắc phục hậu quả, nhưng đến nay cơ quan điều tra chưa thực hiện! Vì vậy Viện KSND đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra công khai tại tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi làm trái của các bị cáo và người có liên quan gây ra, cùng với trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Phạm Công Danh.
HĐXX gọi hỏi bị cáo Vũ Viết Minh Quân (SN 1986, ngụ TP Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty CPDV ĐT&TM Minh Quang) có biết về lá đơn vủa vợ bị cáo nộp cho tòa vào chiều 11/1, để yêu cầu giám định tâm thần cho bị cáo? Có ý kiến gì về lá đơn này? Bị cáo Quân, trả lời: “Không có ý kiến, đồng ý nội dung đơn của vợ. Căn bệnh của bị cáo là đau đầu, thường xuyên mất ngủ, đã từng điều trị nội trú 1 tháng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1”.
Có mặt tại tòa, khi được HĐXX hỏi, ông Trần Duy Vũ, Chánh Văn phòng Sở KH-ĐT tỉnh Long An, cho rằng mới nắm được hồ sơ VNCB, việc thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lần thứ 27 của VNCB do ông ông Vũ ký. Về thủ tục thay đổi giấy phép ĐKKD vào ngày 26/12/2013 là thay đổi để tăng vốn điều lệ. Đến ngày 3/6/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Long An có văn bản đề nghị giảm vốn điều lệ xuống như giấy phép ĐKKD lần thứ 26 là 3.000 tỷ đồng như vốn cũ theo đề nghị của NHNN. “Về trách nhiệm của mình trong việc ký thay giấy phép ĐKKD lần thứ 27 của VNCB, Sở KH-ĐT tỉnh Long An có sơ sót”, ông Vũ nói.
Tất cả hồ sơ vay vốn đều lập khống
HĐXX cũng xoáy vào việc VNCB vay 4.700 của BIDV. Bị cáo Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), khai được giao nhiệm vụ lập các hồ sơ để vay BIDV 4.700 tỷ đồng. Căn cứ mức tiền vay, bị cáo chọn các công ty để cân đối. Khi làm có bị cáo Phạm Công Danh, Nguyễn Quốc Viễn (SN 1974, nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB). Về báo cáo tài chính do bị cáo Phan Minh Tùng (SN 1968, phụ trách Kế toán Tập đoàn Thiên Thanh) đưa. Các báo cáo tài chính được sao chép từ những báo cáo trước đó đã dùng nhiều lần để vay ngân hàng. Sau đó đó lắp ghép số liệu vào 12 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh, với nội dung khác nhau. Lý do chọn 12 công ty này vì các công ty khác đã vay. Sau khi làm xong hồ sơ khống, Khương chuyển cho ông Trần Hoài Lâm ở BIDV Hội sở. Khoảng 1 tuần sau chỉnh lại hồ sơ theo yêu cầu của BIDV.
“Trong quá trình vay, 12 giám đốc công ty vay tiền không ai gặp nhân viên hay cán bộ của BIDV, chỉ do mình bị cáo đại diện. Số tiền 4.700 tỷ đồng được vay ở 4 chi nhánh, giải ngân về 12 công ty, sau đó 12 công ty này chuyển về 4 công ty bán vật liệu xây dựng (VLXD) và 4 công ty này cũng được lập hồ sơ khống. Khi đã được giải ngân, chuyển qua chuyển lại, cuối cùng tiền được chuyển vào tài khoản của Agribank chi nhánh Tân Phú để tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng theo chỉ đạo của anh Danh. 4.700 tỷ vay của BIDV chỉ đưa vào vốn điều lệ 4.000 tỷ, 300 tỷ vay của TPBank, 200 tỷ đồng còn lại là vốn cũ. HĐXX cho rằng 300 tỷ đồng không dính dáng gì đến ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát), thì cần phải xác minh ông Thanh có cho anh Danh vay hay không”, bị cáo Khương khẳng định.
Về phần bị cáo Phan Thanh Tùng, khi được hỏi về cáo trạng (liên quan gói 4.700 tỷ đồng), bị cáo này cho rằng không đúng, vì bị cáo chỉ làm đúng 1 hồ sơ trong vụ vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank.
Phải vay để tăng vốn điều lệ
Đối với bị cáo Hoàng Long Hà (SN 1976, nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định. Hiện là Giám đốc BIDV chi nhánh Tây Đô), khẳng định cáo trạng một số chi tiết sai về bị cáo. “Có một số cái bị cáo không thực hiện, như Công ty Phong Hiệp, bị cáo chỉ giải ngân 105 tỷ đồng, còn lại 325 tỷ đồng không biết ai giải ngân. Bị cáo ký HĐTD với ông Trần Hiệp là Giám đốc Công ty Phong Hiệp, lúc đó không biết ông này là ai, sau mới biết là thành viên HĐQT VNCB. Bị cáo căn cứ quy định của BIDV rồi ký. Khi ký không gặp ông Hiệp, chỉ gặp Khương. Bị cáo không vi phạm khoản 3 điều 126 Luật Tín dụng. Biên bản kết luận của NHNN cũng không kết luận bị cáo sai. Bị cáo chỉ mong thượng tôn pháp luật, mong HĐXX sáng suốt xem xét”, bị cáo Hà, nói.
Tại phiên xét hỏi, bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục khai: “Thời điểm đó NHNN tỉnh Long An yêu cầu bằng cách nào đó phải giữ lại ngân hàng và phải tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN. Để tăng vốn tôi phải vay ông Trần Quý Thanh. Sau đó có trả ông này 2.360 tỷ cho, có chứng từ”.
Về việc vay tiền để tăng vốn điều lệ, bị cáo Phan Thành Mai khai có cuộc họp vào năm 2013, người chủ trì tên Thảo đại diện NHNN, có Giám đốc NHNN tỉnh Long An. Để tái cơ cấu ngân hàng, phải đảm bảo 40.000 tỷ đồng. Anh Danh có xin chia nhỏ số tiền tăng vốn theo giai đoạn từ 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng/lần, vì lúc đó mỗi ngày ngân hàng lỗ 5 - 7 tỷ đồng, tăng tín dụng cũng chết mà không tăng cũng chết, nhưng không được chấp nhận”.

Ông Trần Bắc Hà tiếp tục vắng mặt

Trong ngày 12/1, HĐXX tập trung vào khoản tiền 4.700 tỷ đồng mà VNCB vay của BIDV. HĐXX đã nhiều lần gọi hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thuộc BIDV, tuy nhiên rất nhiều người vắng mặt. Trong số này có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) có đơn xin vắng vì bệnh gan. Vì vậy đại diện Viện KSND đã đề nghị HĐXX triệu tập cho đủ những người này.

Có mặt tại tòa theo triệu tập, khi được HĐXX hỏi việc BIDV cho VNCB vay 4.700 tỷ đồng, đã làm theo quy trình ngược quyết định 1627 của NHNN? Ông Đoàn Ánh Sáng (đại diện lãnh đạo BIDV Hội sở), cho rằng không thể làm theo quyết định 1627, vì theo quyết định này chỉ có những dự án lớn của ngành điện lực hoặc dầu khí… mới thực hiện được.

Còn bà Nguyễn Thị Phương (Ban Pháp chế BIDV), giải thích 12 HĐTD của 12 công ty vay tiền BIDV là Hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định Bộ luật Dân sự, không phải hợp đồng bảo lãnh. Nội dung hợp đồng thực hiện theo mẫu của BIDV. Sau khi vụ án xảy ra, BIDV đã lập hội đồng kỷ luật đối với những người liên quan cho 12 công ty vay tiền, nhưng những sai sót đó không phải trọng yếu.

HĐXX cũng đặt câu hỏi: VNCB rút tiền từ Sacombank rồi chuyển trả cho BIDV là vật chứng vụ án, theo quy định pháp luật cần phải thu hồi? Bà Phương lập luận: “Quan điểm của BIDV không quan tâm tiền đã thu vào ngân hàng có nguồn từ đâu. BIDV giao dịch với VNCB chứ không với ông Danh. Đấy là giao dịch giữa 2 pháp nhân, thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần