Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB: Bị cáo Trầm Bê mong HĐXX xem xét mức án do Viện đề nghị

BÀI, ẢNH: TRÚC MAI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Bị cáo cũng như nhiều anh em khác được Tập đoàn (TĐ) Thiên Thanh phong chức giám đốc để ký các hồ sơ vay tiền là đã bị TĐ này lợi dụng”, là lời bào chữa của bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân tại phiên tòa.

Ngày 24/1, vụ án Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐTD Sacombank) cùng 44 bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục xét xử.
Bị cáo “luận tội” Tập đoàn Thiên Thanh
Trong phần tự bào chữa bổ sung, nhiều bị cáo đã bật khóc. Bị cáo Nguyễn Tấn Thành (SN 1964, giám đốc Công ty Thành Trí, ký hồ sơ khống vay BIDV 420 tỷ đồng, bị đề nghị 3 năm tù treo), nói trong nước mắt: “Vì phải nuôi gia đình, bị cáo từ Quảng Ngãi vào TP Hồ Chí Minh xin việc, được nhận làm bảo vệ tại TĐ Thiên Thanh, mỗi tháng 4 triệu đồng. Khi được cán bộ TĐ bảo làm giám đốc và đưa hồ sơ vay vốn thì bị cáo ký mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật”. Tương tự bị cáo Lê Văn Tuấn làm bảo vệ cũng được cho chức giám đốc, khi ký cũng không biết ký để vay tiền, không biết giải ngân ra sao, rút tiền thế nào và hoàn toàn không biết Phạm Công Danh là ai.
 Bị cáo Phạm Công Danh được áp giải về trại giam.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (SN 1979, Giám đốc Công ty Hương Việt, ký hồ sơ khống vay Sacombank 300 tỷ đồng, vay BIDV 340 tỷ đồng, bị đề nghị 3 năm cải tạo không giam giữ), đã khóc suốt khoảng thời gian bào chữa bổ sung. Bị cáo Vân, nói: “Thấy TĐ Thiên Thanh tuyển nhân viên, bị cáo xin làm lái xe. Tiếp đó cán bộ TĐ này nhờ đứng tên làm giám đốc Công ty Hương Việt, vì mưu sinh nên bị cáo nhận lời dù không biết trụ sở công ty mình ở đâu, giấy phép hoạt động thế nào, con dấu vuông tròn ra sao. Khi người của TĐ đưa hồ sơ khống, bị cáo được đề nghị ký trang cuối cùng, không được đọc nội dung. Thậm chí họ chỉ đưa tờ giấy trắng A4, không có chữ và đề nghị ký vào cuối tờ giấy. Khi bị cáo hỏi thì được trả lời do nhà bị cáo ở xa nên ký trước cho tiện. Chỉ đến lúc Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, lúc đó mới biết mình ký vay hơn 600 tỷ đồng. Bản thân bị cáo cũng như nhiều anh em khác đã bị TĐ Thiên Thanh lợi dụng, họ phong chức giám đốc cho các bị cáo chỉ để ký khống hồ sơ vay vốn. Hợp đồng vay Sacombank 300 tỷ đồng, bị cáo không hề gặp ông Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Thành Mai hay ông Phan Huy Khang”, bị cáo Vân nói.
Chỉ truy tố bị cáo Trầm Bê là không công bằng
Trong phần bào chữa cho bị cáo Trầm Bê (có 3 luật sư – PV), luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, lập luận: “Bị cáo Bê không phạm tội đồng phạm. Vì đồng phạm phải từ 2 người trở lên. Bị cáo không biết Phạm Công Danh cần tiền để tái cơ cấu VNCB. Ông Trầm Bê quen Danh cũng không phải điều kiện để cho rằng đồng phạm, không thể dùng lối dẫn dắt thiếu chủ quan như trong cáo trạng để từ đó buộc tội bị cáo. Bị cáo cũng không trực tiếp duyệt cho 6 công ty vay vốn mà do cấp dưới đảm nhiệm. Tại tòa, bị cáo Danh cũng thừa nhận bị cáo Trầm Bê không biết mục đích vay của Danh và cũng không biết 6 công ty vay vốn là công ty sân sau của Danh”. Cũng theo luật sư Hồng, cáo trạng chỉ quy kết chung chung, không xác định được hành vi vi phạm, trong khi nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội phải là của Viện KSND, theo nguyên tắc suy luận vô tội thì bị cáo Trầm Bê không đồng phạm với Danh và không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đồng quan điểm này, luật sư Trần Quốc Khánh cho rằng không thể suy diễn một cách chủ quan và thiếu lozic việc ông Bê chấp thuận chủ trương cho 6 công ty do ông Danh giới thiệu vay tiền tại Sacombank là hành vi giúp sức để Danh cùng thuộc cấp gây thiệt hại cho VNCB. Bởi lẽ khi đồng ý chủ trương cho 6 công ty vay tiền, ông Bê luôn đưa ra điều kiện phải có tài sản bảo đảm (TSĐB) bằng tiền gửi hoặc bất động sản có giá trị, còn nếu là tài sản của VNCB thì phải có nghị quyết của HĐQT VNCB chấp thuận việc bảo lãnh thì hồ sơ vay mới được xem xét.
Cũng theo luật sư Khánh, sau khi vụ án xảy ra NHNN có nhiều kết luận giám định (KLGĐ) khẳng định Sacombank cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng là đúng quy định Luật các Tổ chức tín dụng, đến thời điểm giám định Sacombank không có thiệt hại. Đại diện CQĐT Bộ Công an và tổ giám định NHNN trả lời tại tòa cũng thừa nhận giá trị pháp lý của các KLGĐ. Trong vụ án này có 3 ngân hàng cùng cho VNCB vay, cùng hành vi như Sacombank, nhưng chỉ truy tố và bắt ông Bê, ông Phan Huy Khanh là không công bằng.
Khi được HĐXX cho bào chữa bổ sung, bị cáo Trầm Bê, nói: “Mong HĐXX xem xét lại mức án 5-6 năm do Viện KSND đề nghị là quá nặng, vì tôi không bàn bạc với ông Danh, không cho ông Danh vay mà cho 6 công ty do Danh giới thiệu. Tôi đại diện pháp nhân cho một tổ chức, khi thấy an toàn cho tổ chức mình thì cho vay. Tôi hoàn toàn không tư lợi, hoàn toàn không biết mục đích 6 công ty vay làm gì”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần