Bị cáo đề nghị thu 195 tỷ của “Doctor Thanh”
Trong buổi sáng HĐXX bước sang phần xét hỏi. Khi được gọi hỏi về số tiền trên 6.126 tỷ đồng thiệt hại của VNCB, trong đó có dòng tiền để tăng vốn điều lệ có từ đâu? Việc rút chính tiền của VNCB để tăng vốn điều lệ là đúng hay sai…? Bị cáo Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên tổng Giám đốc VNCB), trả lời: “4.200/4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ nằm trong VNCB. Dòng tiền này là vốn tự có, vốn của các cổ đông và các nguồn khác. Việc tăng vốn điều lệ khi chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận là trái quy định”.Cũng theo bị cáo Mai, trong giai đoạn 2013 - 2014, khi đó ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành VNCB) như một hố trũng nên Phạm Công Danh phải đưa tất cả tài sản của mình vào ngân hàng. “Đến khi hết tiền buộc phải vay ngoài, trong số tiền vay trên 1.666 tỷ đồng của TPBank, ông Danh đã trích gần 195 tỷ đồng để trả lãi vay của ông Trần Quý Thanh. Đề nghị tòa cho thu hồi số tiền này”, bị cáo Mai nói.Phù hợp với đề nghị của bị cáo Mai tại tòa, trong cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng nêu: “Ngày 26/12/2013, Công ty Trung Dung ký séc trả cho bà Bùi Thị Tuyết số tiền 195 tỷ đồng. Số tiền này, trong ngày bà Tuyết ký rút để bà Hồ Thị Phương ký nộp vào tài khoản của bà Phương mở tại Vietcombank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Cùng ngày bà Phương chuyển 194.707.000.000 đồng vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh mở tại Eximbank - Chi nhánh Sở giao dịch 1 TP Hồ Chí Minh”.Còn lời khai của bị cáo Phạm Công Danh về số tiền 1.600 tỷ đồng (vay của TPBank) được chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, có 194.707.000.000 đồng Danh dùng để chuyển trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh.
Không phục cáo trạng vì cách dùng từĐối với bị cáo Trầm Bê, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi có đồng ý với nội dung cáo trạng nêu về mình không? Bị cáo Trầm Bê khẳng định không phục, vì trong cáo trạng dùng những cụm từ, như: Bàn bạc, thỏa thuận. Trong khi bị cáo chỉ gặp Phạm Công Danh 2 lần, khi Phạm Công Danh đến đặt vấn đề vay tiền; đồng thời trong vụ án này có 3 - 4 ngân hàng lớn cũng cho Phạm Công Danh vay bằng hình thức phải có tài sản đảm bảo, nhưng nhận thức đối với mỗi ngân hàng lại khác nhau. “Tôi quen ai thì tôi nói quen người đó, không nói dối. Sau khi đưa Phạm Công Danh gặp Phan Huy Khang (SN 1973, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank), tôi không gặp nữa vì đã giao việc cho cấp dưới có chuyên môn làm và tôi cũng không quan tâm”, bị cáo Trầm Bê nói.Tiếp đó, chủ tọa phiên tòa đặt hàng loạt câu hỏi, như: Bị cáo Trầm Bê có quen biết Phạm Công Danh? Có bao giờ đọc hay nghiên cứu về Luật Tín dụng? Có quan tâm đến phương án kinh doanh của người vay hay chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo do VNCB gửi vào? Khách hàng (6 công ty của Phạm Công Danh - PV) có trả nợ được không…?
Bị cáo Trầm Bê tại phiên tòa ngày 10/1 |
Xin giải tỏa kê biên, vì căn nhà chỉ trên… 10 tỷ đồng!
Chủ tọa hỏi tiếp: Vậy bị cáo chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo mà không quan tâm đến phương án vay vốn, trong khi phương án vay là điều kiện tiên quyết? Bị cáo Trầm Bê cho rằng không có suy nghĩ như thế vì đã giao cho Tổng Giám đốc thẩm định. “Khoảng 4 - 5 ngày sau cuộc gặp Phạm Công Danh lần đầu, bị cáo Khang có mời tôi xuống phòng gặp Phạm Công Danh và báo rằng HĐQT của VNCB đã đồng ý bảo lãnh cho 6 công ty vay tiền. Việc bảo lãnh bằng cách chuyển tiển qua bảo lãnh. Còn tiền đó ở đâu tôi không biết, chỉ cần HĐQT VNCB đồng ý. Bị cáo chỉ suy nghĩ Phạm Công Danh đại diện cho 1 tập thể, bị cáo đại diện cho 1 tập thể khác và có lời thì làm. Khi Phạm Công Danh hồi đáp vay 1.800 tỷ đồng, bị cáo thấy vừa trong chức trách của mình thì duyệt”, bị cáo Trầm Bê nói.Khi chủ tọa phiên tòa cho rằng, bị cáo Trầm Bê đã làm sai quy định 1627 của NHNN vì chỉ quan tâm đến tiền gửi bảo đảm của VNCB, thì Trầm Bê tái khẳng định đã giao nhiệm vụ cho cấp dưới nên không theo dõi. Về việc 6 công ty (của Phạm Công Danh - PV) có trả nợ được không, bị cáo Trầm Bê nói: “Việc tất toán hoàn thành trước khi vụ án xảy ra khoảng 3 - 4 tháng, tất toán bằng cách trừ vào tiền bảo đảm của VNCB gửi vào Sacombank. Về quy định của NHNN đến nay vẫn còn lẫn lộn, chưa rõ ràng, luật không cấm kể cả ngân hàng nước ngoài cũng vậy. Bị cáo không trục lợi, việc cho vay với tài sản đảm bảo là hình thức kinh doanh bình thường”.Dù khẳng định không phục, nhưng bị cáo Trầm Bê cũng thừa nhận có một phần trách nhiệm trong việc cho Phạm Công Danh vay. Tại tòa, bị cáo này cũng xin HĐXX xem xét giải tỏa kê biên đối với 2 căn nhà số 591 An Dương Vương (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), vì nhà này đứng tên chị vợ và căn nhà số 601 Hồng Bàng (Quận 6 - TP Hồ Chí Minh) dù đứng tên bị cáo nhưng chỉ có giá… trên 10 tỷ đồng!