Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Bị cáo Thăng phủ nhận quan điểm luận tội

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc trong cáo trạng với lý do những quy kết đó mang tính suy diễn, quy chụp.

Ngày 18/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Sau khi các luật sư bào chữa, trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT tái khẳng định cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) truy tố bị cáo là mang tính suy diễn, quy chụp.
 Bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường - nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GTVT (thứ 2, 3 từ phải sang), tại phiên tòa.
“Tôi đồng ý với tất cả bài bào chữa của các luật sư bảo vệ cho tôi cũng như các bị cáo khác. Để xảy ra vụ án này, tôi chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu, không chịu trách nhiệm hình sự vì không có tội. Thứ nhất, việc phân công dự án đã được phân công theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, khu vực, lĩnh vực, địa bàn công tác cho các Thứ trưởng. Tôi không trực tiếp giao nhiệm vụ bằng văn bản cho các Thứ trưởng. Cáo trạng nêu tôi giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Cửu Long, tôi hoàn toàn không có văn bản hay bút tích nào giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty.
Thứ hai, thời điểm tháng 2/2012, tôi hoàn toàn không quen biết anh Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc). Đến cuối năm 2013 và đầu năm 2014, tôi mới biết anh Hệ. Trong danh sách cuộc gọi do Bộ Công an cung cấp, thể hiện ngày 7/2/2012 tôi có gọi cho anh Dương Tuấn Minh một cuộc điện trước khi có Quyết định 217 của Thủ tướng. Sau khi có văn bản 217, tôi gọi thêm 1 cuộc chỉ vài chục giây, sau đó anh Minh gọi lại tôi vài phút. Những cuộc gọi này hết sức bình thường, trao đổi giữa cấp trên và cấp dưới, không có gì bất thường. Tại tòa, anh Minh khai quen anh Hệ thông qua giới thiệu của Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cienco 1, chứ không phải thông qua tôi”, bị cáo Đinh La Thăng trình bày.
Cũng theo lời tự bào chữa của bị cáo Thăng, đặc biệt văn bản 217 của Thủ tướng gửi về, bị cáo cũng không biết và không xử lý.
Về việc buộc dừng hợp đồng khi Công ty Yên Khánh vi phạm, bị cáo Thăng khẳng định Bộ GTVT không có quyền, vì đây là hợp đồng thương mại ký giữa Tổng Công ty Cửu Long với Công ty Yên Khánh, được điều chỉnh theo Luật Thương mại, Luật Dân sự, cho nên cáo buộc bị cáo không chỉ đạo dừng hợp đồng là sai và không đúng luật. Bị cáo là Bộ trưởng, không biết nội dung hợp đồng thì làm sao chỉ đạo chấm dứt.
Đối với giá khởi điểm đấu giá hơn 2.004 tỷ đồng, bị cáo Thăng cũng cho rằng theo yêu cầu của cơ quan điều tra, giám định viên của Bộ Tài chính đã xác định giá 2.004 tỷ là phù hợp quy định pháp luật. Sau khi bán QTP cao tốc đã thu đủ 2.004 tỷ đồng. Việc Công ty Yên Khánh chậm trễ nộp tiền thì áp dụng theo pháp luật dân sự.
Hiện nay giữa Tổng Công ty Cửu Long với Công ty Yên Khánh đã đưa vụ tranh chấp ra tòa và mới đây TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xử lại. Tại phiên tòa này, đại diện Bộ GTVT khẳng định không thiệt hại trong vụ việc này. Thực tế đơn vị được QTP khai gian dối doanh thu nhằm trốn doanh thu để trốn thuế thì phải chịu hình phạt theo Luật Thuế.
“Do đó, tôi cũng như các bị cáo khác ở Bộ GTVT không phải chịu trách nhiệm số tiền do người khác phạm tội. Còn quy kết các văn bản gửi cho Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải biết là không đúng, vì không có văn bản quy phạm nào quy định các văn bản do Thứ trưởng ký thì Bộ trưởng phải biết và phải chịu trách nhiệm. Tất cả các cơ quan nhà nước mình đếu thế cả. Nếu các Thứ trưởng ký mà Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, thì ở các Bộ khác thì sao?
Tôi hoàn toàn không đồng tình và bác bỏ những cáo buộc của VKSND đối với cá nhân tôi. Tôi đề nghị đại diện VKSND TP xem xét tất cả những chứng cứ tại hồ sơ vụ án cũng như những lời khai tại phiên tòa để đưa ra quan điểm đúng pháp luật... Mong HĐXX đối với tôi bình thường như những con người bình thường”, bị cáo Đinh La Thăng kết thúc phần tự bào chữa cho mình.