Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Bút phê của ông Thăng viết gì?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phần xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, xuyên suốt quá trình tổ chức bán quyền thu phí Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và sau đấu giá, bị cáo Thăng chỉ ký 2 quyết định và 1 bút phê. Vậy, bút phê của ông Thăng có nội dung gì?

 Bị cáo Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT trả lời HĐXX.
Bộ GTVT không dứt khoát dù Công ty Yên Khánh vi phạm
Sáng 17/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” đối với các bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT; Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) cùng 17 đồng phạm.
Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Nguyễn Hồng Trường cho rằng, khi Công ty Yên Khánh vi phạm thời hạn thanh toán, Tổng Công ty Cửu Long không có văn bản đề nghị dừng hợp đồng nên Bộ GTVT không ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND Tối cao khẳng định, quá trình triển khai thực hiện bán quyền thu phí đường Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (QTP cao tốc - PV), Tổng Công ty Cửu Long đều báo cáo xin ý kiến Bộ GTVT. Khi Công ty Yên Khánh vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Tổng Công ty Cửu Long đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của Bộ GTVT.
Dù biết việc Công ty Yên Khánh vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nhưng bị cáo Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính - Bộ GTVT) vẫn soạn thảo để bị can Nguyễn Chí Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ GTVT) duyệt, sau đó trình bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký nhiều văn bản gửi Tổng Công ty Cửu Long yêu cầu đôn đốc Công ty Yên Khánh nộp tiền nhưng không chỉ đạo ra thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với công ty này.
Đến ngày 19/6/2015, Công ty Yên Khánh vẫn không thực hiện theo cam kết, nên bị cáo Dương Thị Trâm Anh (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) ký văn bản 2270/CIPM-QLXD gửi Bộ GTVT báo cáo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán của Công ty Yên Khánh, và đề xuất: “Kiến nghị Bộ GTVT xem xét quyết định việc chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng”.
Nội dung bút phê của ông Đinh La Thăng
Nhận được báo cáo này, ngày 22/6/2015, Nguyễn Chí Thành soạn thảo tờ trình để ông Nguyễn Văn Thể (lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT), ký gửi ông Đinh La Thăng, nội dung: “Công ty Yên Khánh chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo đúng hợp đồng và đưa ra một số lý lo (thi công dự án ITS, các yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng đến doanh thu, thuế VAT, phí đường bộ toàn quốc...), mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Cửu Long giải thích, đôn đốc Công ty Yên Khánh thực hiện thanh toán theo hợp đồng.
 Bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT nói rằng suốt dự án chỉ ký 2 quyết định và 1 bút phê trên tờ trình.
Tuy nhiên, Công ty Yên Khánh vẫn chưa thanh toán. Mặc dù đến nay các vấn đề phát sinh đã cơ bản được giải quyết (về thuế VAT, về đền bù thiệt hại ITS) nhưng Công ty Yên Khánh vẫn chưa thực hiện thanh toán nốt số tiền còn lại theo hợp đồng hơn 902,4 tỷ đồng. Ngày 19/6/2015, Tổng Công ty Cửu Long đã có văn bản số 2270/CIPM-QLXD, trong đó căn cứ hợp đồng bán quyền thu phí đề nghị Bộ GTVT xem xét quyết định việc chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng (số tiền 100,2 tỷ đồng). Đến chiều 19/6/2015, Công ty Yên Khánh có văn bản số 137/2015/CV-YK báo cáo Bộ GTVT, trong đó Công ty đề xuất lộ trình thanh toán nốt số tiền còn lại không cụ thể và đưa ra 1 một số lý do.
Như vậy, Công ty Yên Khánh chưa đề ra thời điểm cụ thể để thanh toán nốt số tiền còn lại theo hợp đồng, đồng thời chưa ra một số lý do chưa phù hợp với điều kiện của hợp đồng về điều khoản thanh toán. Với quan điểm rành mạch giữa nghĩa vụ thanh toán và giải quyết những vấn đề phát sinh của hợp đồng, cũng như giải quyết dứt điểm việc thanh toán của nhà đầu tư, đến nay đã có đủ cơ sở để xem xét chấm dứt hợp đồng chuyển giao QTP cao tốc đối với Công ty Yên Khánh. Kính báo cáo Bộ trưởng xem xét, có ý kiến chỉ đạo”.
Ngày 23/6/2015, ông Đinh La Thăng có bút phê chỉ đạo trên tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quản lý nhà nước, Tổng Công ty Cửu Long”. 
Ông Nguyễn Văn Thể ghi ý kiến chỉ đạo tiếp theo phía dưới bút phê của ông Đinh La Thăng: “Gấp” - Yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long, Vụ Tài chính, Pháp chế... làm việc lại với Công ty Yên Khánh thảo luận từng vấn đề cụ thể, có kết luận rõ ràng, dứt khoát. Chậm nhất 30/6, làm rõ toàn bộ các vấn đề có liên quan theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Riêng đóng tiền: Phải nộp thêm 500 tỷ đồng theo cam kết trong tháng 6/2015”.
Chiếm đoạt tiền bằng công nghệ, vẫn cho rằng tiền hợp pháp
Do Công ty Yên Khánh vẫn không nộp tiền theo đúng thời hạn, vì vậy, ông Thể ký tiếp 2 văn bản vào ngày 31/8/2015 và 8/10/2015 yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long làm việc với Công ty Yên Khánh để yêu cầu thực hiện nộp đầy đủ tiền mua QTP cao tốc theo đúng quy định và cam kết. Đến tháng 10/2015, ông Thể được điều động nhận nhiệm vụ mới tại tỉnh Sóc Trăng. Lúc này ông Trường tiếp nhận lại công việc và ký 2 văn bản vào ngày 14/1/2016 và ngày 1/9/2016 yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long căn cứ vào các quy định tại hợp đồng bán QTP cao tốc đã ký kết, làm việc với Công ty Yên Khánh để thực hiện theo đúng quy định của hợp đồng đã ký. Công ty Yên Khánh vẫn không nộp tiền theo cam kết, nhưng vẫn không bị chấm dứt hợp đồng, đến ngày 30/3/2017, mới nộp đủ số tiền trúng đấu giá hơn 2.004 tỷ đồng.
Khi được HĐXX gọi hỏi, các đơn vị, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã nêu quan điểm của mình. Đại diện Bộ GTVT (bị hại) không yêu cầu gì về vấn đề dân sự. Đại diện Công ty Yên Khánh nêu 2 vấn đề: Cho rằng số tiền hơn 725 tỷ đồng được cáo trạng kết luận là tiền của Nhà nước là không đúng, tiền đó là của Công ty Yên Khánh và công ty này không chiếm đoạt; Đề nghị được giải tỏa kê biên, phong tỏa đối với các tài sản là cổ phần góp vốn tại Cienco 1, BOT Việt Trì, Công ty Cổ phần BT và BOT Quốc lộ 20.
Về phía đại diện Tổng Công ty Cửu Long thì mong HĐXX xem xét vì chuyên ngành chính của Tổng Công ty là quản lý các dự án đầu tư. Việc bán QTP cao tốc vào năm 2013 là lần đầu tiên, nên một số vấn đề pháp luật còn sơ suất. Còn đại diện Bộ Tài chính, chỉ nói ngắn: “Ngày 1/7/2020, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Cơ quan điều tra Bộ công an để cung cấp một số thông tin liên quan vụ án. Do đó, mong HĐXX xem xét văn bản đã gửi”.
Về cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Toàn (chồng bị cáo Nguyễn Thu Trang) xin được giải tỏa kê biên giấy chủ quyền căn nhà ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh) vì đó là tài sản chung của 2 vợ chồng và hiện gia đình ông đang sống trong căn nhà này.