Vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: Đường ống bị khuyết tật nhưng vẫn thi công

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/3, phiên tòa xét xử 9 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn.

Đại diện giám định viên nêu nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà tại phiên tòa ngày 6/3.

Thi công khi đường ống không đảm bảo chất lượng 
Tại tòa, giám định viên cho biết, nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà là do nhà thầu chưa kiểm tra chất lượng ống và chưa thử nghiệm độ bền dài hạn trước khi thi công… Trong quá trình thực hiện giám định, đoàn cũng dựa trên tài liệu cơ quan điều tra (CQĐT) cung cấp và các kết quả sau khi thực hiện thí nghiệm tại hiện trường. Bên cạnh đó, còn dựa vào các căn cứ về pháp luật có liên quan như: Quy định tại Luật Giám định 2003, Luật Xây dựng, Nghị định 209 năm 2004 hướng dẫn về công tác bảo vệ chất lượng công trình và các văn bản hướng dẫn.

Qua kiểm tra cho thấy, có 40 đoạn ống bị khuyết tật nhưng vẫn được thi công. Đơn vị giám định đã lấy một đoạn ống tại hiện trường để kiểm tra và thấy không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trên biên bản và hồ sơ lưu trữ không thấy nhà thầu có ghi nhận để khắc phục.

Cũng theo giám định viên, việc giám định được khảo sát ngẫu nhiên tại 14 vị trí đang vận hành khai thác. Bên cạnh đó, còn giám định cả những ống đã vỡ và ống lưu của Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex. Với kết quả thu thập được, đoàn giám định đã đưa ra kết luận về nguyên nhân vỡ do ống được thi công không đồng đều, có nhiều khuyết tật và không đảm bảo chất lượng.

Theo Kết luận giám định tư pháp ngày 15/4/2015, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội. Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu.

Trong quá trình thi công xây dựng, BQL dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công. Việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ, không phát hiện ra các tồn tại trong quá trình thi công, lắp đặt tuyến ống.
Ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên thành viên HĐQT Vinaconex tại phiên tòa ngày 6/3.
Đúng quy trình?

Trong khi đó, theo lời khai của ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex được HĐXX công bố tại tòa lại cho thấy, việc chuyển đổi từ vật liệu gang dẻo sang ống composite đã được Bộ Xây dựng đánh giá là đảm bảo yêu cầu và đúng với các quy định liên quan. Cũng theo lời khai của ông Bình, việc vỡ đường ống nước sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan chứ không phải do việc phê duyệt dự án. Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình giải trình rằng nhà máy có đủ năng lực sản xuất ống phục vụ dự án...

Tiếp đó, khi trả lời câu hỏi của HĐXX về việc vì sao thay đổi vật liệu thi công dự án? ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên thành viên HĐQT Vinaconex cho biết, sau khi công ty cử đoàn đi khảo sát, đánh giá và dự nhiều hội nghị mới quyết định thay đổi vật liệu làm đường ống từ gang dẻo sang composite cốt sợi thủy tinh. Sự thay đổi này dựa trên cơ sở phân tích đầy đủ hiệu quả và tính năng của vật liệu mới. Ông Tuân cũng khẳng định, quá trình thực hiện dự án đều đúng quy trình và mong muốn dự án thành công. Vì vậy, ông Tuân bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét toàn diện vụ án vì đây là lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới nên có nhiều vất vả, khó khăn.

Cũng liên quan đến việc thay đổi vật liệu khi thực hiện dự án, ông Nguyễn Duy Khang - nguyên Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex cho biết, sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh là công nghệ mới và được sản xuất theo các tiêu chuẩn của Mỹ. Khi làm, công ty đã nghiên cứu rất kỹ các tiêu chuẩn về sử dụng các ống cốt sợi thủy tinh cũng như tính toán thiết kế để đáp ứng những tiêu chuẩn để thực hiện dự án. Từ đó, công ty đã đưa ra những tiêu chuẩn về việc sử dụng ống theo tiêu chuẩn ASI/AWWA C950 - 01…

Theo cáo trạng, vật liệu chính của tuyến ống ban đầu được chủ đầu tư dự án lựa chọn dùng ống gang dẻo. Tuy nhiên, sau đó đã được HĐQT Vinaconex quyết định thay đổi bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh. Sau khi thay đổi, HĐQT quyết định ban hành các quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án do đơn vị thiết kế dự án là Công ty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex lập. Trong đó, đã lựa chọn và phê duyệt áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và thử nghiệm ống composite cốt sợi thủy tinh cung cấp cho dự án theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 của Hiệp hội công trình thủy Hoa Kỳ. Đây cũng là tiêu chuẩn xây dựng mà chủ đầu tư dự án phê duyệt áp dụng trong dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần