Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định tại Navibank: Truy trách nhiệm số tiền 200 tỷ đồng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/3, phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) tiếp tục diễn ra.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Luật sư Trần Thị Ánh (bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền) cho rằng, qua nghiên cứu hồ sơ và thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy cáo trạng truy tố bị cáo Hiền với tội danh “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không phù hợp. Bởi lẽ: Xét về hành vi, bị cáo Hiền không cố ý làm trái. Khi ký biên bản họp Hội đồng tín dụng (HĐTD), bị cáo đã xem xét tính pháp lý của Hợp đồng tiền gửi (HĐTG). Bị cáo không phải là thành viên Hội đồng (HĐ) Alco, không họp bất kỳ cuộc họp nào của HĐ này, không ký bất kỳ chứng từ nào liên quan đến việc giải ngân. 
Xét về thiệt hại, các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào 2 bản án xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm để làm căn cứ xác định thiệt hại là không phù hợp. Bởi án sơ thẩm 46 và án phúc thẩm số 02, xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng. Như vậy, luật sư cho rằng Navibank là bị hại và nếu đã là bị hại thì không thể có hành vi “Cố ý…”.

Cũng theo luật sư Ánh, số tiền 200 tỷ đồng mà bản án 02 tuyên buộc Huyền Như bồi thường cho Navibank, đến nay án đã có hiệu lực pháp luật hơn 3 năm. Nhưng Navibank không yêu cầu thi hành án. Những người làm tại Navibank có nghiệp vụ, có kiến thức kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng, họ có đủ cơ sở để cho rằng số tiền 200 tỷ đồng không mất...

“Tại tòa này, HĐXX đã nhiều lần nhắc nhở các luật sư không được bàn về bản án 02. Nếu không căn cứ vào bản án thì căn cứ vào lời khai của Navibank là không thiệt hại. Đã không thiệt hại thì không cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Ánh nhận định.
Còn luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (bào chữa cho bị cáo Cao Kim Sơn Cương, Trần Thanh Bình) nêu các bút lục (BL) để từ đó quy trách nhiệm. “Tại các BL 14 và 31 là các biên bản khai, Huyền Như khai làm giấy giả để qua mặt bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VTB HCM), như vậy Như đã lừa Ban giám đốc VTB HCM", luật sư Thái Hùng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần