Xét xử vụ án Tham ô tại PVP Land: Vì sao nhiều đối tượng liên quan thoát tội?

Đạt Lê - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty CP bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của các luật sư.

HĐXX tiến hành làm rõ việc giao và nhận tiền chênh lệch giá ngoài hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land của các bị cáo, lái xe của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng; vợ của bị cáo Đinh Mạnh Thắng… cùng một số đối tượng liên quan khác không bị khởi tố hình sự.
Vợ Đinh Mạnh Thắng thoát tội
Cáo trạng nêu rõ, trong quá trình điều tra về việc giao và nhận tiền chênh lệch giá ngoài hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land của các bị can, có một số đối tượng có liên quan gồm: Lê Dung, Trần Trung Hiếu (là Thư ký Ban lãnh đạo Công ty Vietsan); Nguyễn Văn Tấn (lái xe của Công ty Vietsan) là những người đã giúp bị can Thái Kiều Hương – nguyên Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Vietsan nhận và chuyển số tiền 19 tỉ đồng cho Đinh Mạnh Thắng, Trịnh Xuân Thanh.
 Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo tại phiên tòa.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Vân là vợ của bị can Đinh Mạnh Thắng đã giúp Thắng nhận số tiền 14 tỉ đồng để Thắng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh. Vũ Đức Lưu (lái xe của Đinh Mạnh Thắng), Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của Trịnh Xuân Thanh) đã giúp Thanh nhận được số tiền 14 tỉ đồng. Trần Ngọc Long (lái xe của Đào Duy Phong – nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land), Trần Duy Hùng (lái xe của Nguyễn Ngọc Sinh – nguyên TGĐ PVP Land) đã giúp cho Phong nhận được số tiền 10 tỉ đồng và chuyển cho Sinh 2 tỉ đồng – là số tiền các bị can chiếm đoạt từ việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land thấp hơn giá trị.
Kết quả điều tra xác định, các đối tượng này về ý thức chủ quan không biết đó là tiền gì, nguồn gốc từ đâu, không biết đó là tiền do các bị cáo phạm tội mà có; không được hưởng lợi ích vật chất từ việc làm này; có thái độ thành khẩn khai báo, góp phần tích cực giúp Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của các bị can, nên Cơ quan điều tra không khởi tố về hình sự là có căn cứ.
Tách hành vi của TGĐ Công ty Vietsan để tiếp tục điều tra
Tài liệu điều tra xác định, Han Gi Cheol, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vietsan, theo lời khai của bị can Thái Kiều Hương, Han Gi Cheol là người đã cùng Hương, Đinh Mạnh Thắng gặp Trịnh Xuân Thanh tại nhà hàng trên đường Thanh Niên (Hà Nội) để đặt vấn đề đề nghị Thanh quan tâm, ủng hộ cho chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza; cùng Hương mang số tiền 5 tỉ đồng đi giao cho Đinh Mạnh Thắng tại đường Xuân Diệu (Hà Nội).
Han Gi Cheol cũng là người thống nhất với Lê Hòa Bình chuyển số tiền 19 tỉ đồng mà 2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng đã chiếm đoạt; sau đó trả lại cho Thái Kiều Hương (khi vụ việc bị phát hiện) thành tiền thanh toán mua cổ phần của Công ty Vietsan.
Viện KSND Tối cao đã yêu cầu và Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định số 41/C46-P11 ngày 27/11/2017 tách hành vi của Han Gi Cheol để tiếp tục điều tra.
 Ông Han Gi Cheol tại phiên tòa.
Cáo trạng xác định, thông qua môi giới của bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do), ngày 27/3/2010, bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân) cùng với 5 cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỉ đồng.
Để mua tiếp số cổ phần còn lại, bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó TGĐ Công ty Vietsan) nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại Dự án Nam Đàn Plaza. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý và chỉ đạo bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) đứng ra thu xếp việc mua bán… Thực hiện sự chỉ đạo, bị cáo Đào Duy Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng/cổ phần (tương đương giá 34 triệu đồng/m2 đất tại Dự án Nam Đàn Plaza) và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý. Vài ngày sau đó, bị cáo Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 (chênh lệch 18 triệu đồng/m2). Tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sáng ngày 25/1, trả lời câu hỏi của luật sư tại tòa, ông Han Gi Cheol trình bày: Mục đích gặp Trịnh Xuân Thanh vì nghĩ rằng PVC có ngành xây dựng, mình cũng làm về xây dựng nên nghĩ sẽ giúp được cho công việc sau này. Trong khả năng tiếng Việt hạn chế, tôi không thể nói đến chuyện chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với Thanh. Khi đi có đi cùng Thái Kiều Hương.
Tiếp tục hỏi, ngày 29/3 có nhận 5 tỉ đồng, nguồn gốc từ đâu? ông Han Gi Cheol khai, ngày 29/3/2010 có nhận 5 tỷ đồng, lúc đó không biết nguồn gốc của số tiền này, nhưng sau đó có biết là tiền đặt cọc từ công ty kinh doanh chuyển sang. “Là người đại diện theo pháp luật của Vietsan, khi chuyển tiền tôi luôn là người ký”, ông Han Gi Cheol nói.
Ngày 6/4/2010, có được chuyển 14 tỉ đồng cho Vietsan, tôi hoàn toàn không biết. số tiền đó vì số tiền đó không hề đi vào tài khoản của công ty Vietsan nên tôi không biết. Khoảng giữa tháng 4 hoặc cuối tháng 4, mới biết có só tiền này.
Về câu hỏi, tại sao Thái Kiều Hương lại không nhận lệnh của anh để chuyển tiền vào tài khoản? ông Han trả lời rằng “Cũng có theo chỉ đạo của tôi, Hương đã nộp tiền vào ngân hàng. Việc chuyển nhượng cổ phần là cả TGĐ và phó TGĐ cùng bàn bạc”.