Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: “Bóng hồng” phủ nhận tội “Tổ chức đánh bạc”

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/11, bước sang ngày thứ 5, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng với phần thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm đối tượng phạm tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”, đồng phạm với vai trò giúp sức “Tổ chức đánh bạc” và phạm tội “Rửa tiền”.

Phiên tòa sáng ngày 16/11.
Nóng đối chất giữa "bóng hồng" với điều tra viên
Theo cáo buộc, tháng 2/2016, Phạm Tuấn Anh và Nguyễn Quốc Tuấn (nhân viên Công ty CNC) báo cáo Nguyễn Văn Dương về việc cho kết nối thêm với cổng thanh toán “NetViet” của Công ty GTS do Lê Thị Lan Thanh (SN 1981, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội), điều hành, nhưng không ký hợp đồng. Quá trình đối soát trong giai đoạn Rikvip, Nguyễn Quốc Tuấn yêu cầu Lê Thị Lan Thanh chuyển tiền đối soát vào tài khoản cá nhân của mình mở tại ngân hàng Maritimebank.
Sau khi Công ty GTS và các nhà mạng đối soát, thanh toán, từ ngày 1/9/2016 đến tháng 9/2017, Công ty GTS đã chuyển cho Công ty CNC số tiền hơn 4.500 tỷ dưới hình thức: Thanh và các nhân viên của Thanh gồm: Lê Đình Soái, Nguyễn Thị Dung, Ngô Thế Hưng (chồng của bị cáo) chuyển tiền vào tài khoản đứng tên Đào Đình Luận và các tài khoản của Bùi Minh Huệ, Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Ngọc Thịnh, là nhân viên, kế toán của Công ty CNC số tiền 2.400 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty này chuyển vào 4 tài khoản cá nhân của Lê Đình Soái mở tại các Ngân hàng ACB, Ngân hàng HDBank, Ngân hàng VPbank, Ngân hàng TPBank, tổng số tiền là 2.100 tỷ đồng để Soái rút ra đưa tiền mặt cho Đoàn Thị Thu Hà.
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh (người thành lập 5 công ty) và trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông thừa nhận hành vi phạm tội "Mua bán trái phép hóa đơn" nhằm hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC. Tuy nhiên, về hành vi "Tổ chức đánh bạc", Thanh đã phủ nhận dẫn đến tranh luận gay gắt.
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh tại phiên tòa ngày 16/11.
Tại phiên tòa, đứng ở bục khai báo, Lê Thị Lan Thanh thừa nhận số tiền 2.400 tỷ đồng là tiền thanh toán đối soát giữa cổng thanh toán Công ty GTS với cổng thanh toán của Phạm Tuấn Anh. Còn với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng thanh toán qua 4 tài khoản cá nhân của Lê Đình Soái, bị cáo Thanh khai nhận có hình thức thanh toán này, nhưng số tiền cụ thể là bao nhiêu Thanh không nhớ.
HĐXX cho biết, quá trình điều tra, CQĐT đã thu thập được nội dung hội thoại giữa Lê Thị Lan Thanh từ tài khoản nick Skype “Hoguomsimdep” với tài khoản nick Skype “Tuan-Anh” của Phạm Tuấn Anh, trao đổi với nhau - liên quan việc đối soát vận hành game bài Rikvip thông qua kết nối với cổng thanh toán của Công ty GTS. Nội dung trao đổi phù hợp với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng mà Thanh và các nhân viên đã chuyển vào tài khoản cá nhân đứng tên Đào Đình Luận, Bùi Minh Huệ, Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Ngọc Thịnh nêu trên. Do đó, có căn cứ xác định Thanh biết rõ việc kết nối cổng thanh toán với Công ty CNC là để vận hành, đối soát cho game bạc Rikvip.
Bị cáo Thanh cho rằng, nick “simdephoguom” là nick dùng chung ở công ty nên có thể người khác đã chat. Thanh nói không nhớ nội dung đoạn chat Skype giữa tài khoản “Hoguomsimdep” và “Tuan-Anh”. Thanh cho rằng, nick này không phải một mình Thanh sử dụng mà dùng chung với nhiều người trong công ty. Chính vì vậy, đoạn hội thoại mới có các đại từ lúc xưng anh, lúc xưng chị.
Thanh phủ nhận tội “Tổ chức đánh bạc” và cho rằng chỉ làm trung gian thanh toán. “Bị cáo là một người làm kinh doanh, chạy theo lợi nhuận, do nhận thức không đầy đủ về pháp luật nên vô tình phạm tội. Bản thân bị cáo không biết game bài Rikvip là game đánh bạc và cũng không phân biệt được”, Thanh nói tại tòa.
Trước lời phủ nhận này, điều tra viên Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Tại CQĐT, bị can Thanh đã khai báo việc đối soát với Phạm Tuấn Anh qua nick chát viber xác định nick “simdephoguom” là của bị can. Đồng thời, điều tra viên cũng thông tin việc cơ quan điều tra đã làm việc với Tổng công ty viễn thông Viettel và các nhân viên Trung tâm hỗ trợ giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
Trong quá trình làm việc đã thu giữ các dữ liệu điện tử tại các địa chỉ email của các nhân viên lưu giữ tại trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty viễn thông Viettel, trong đó có 30 email thể hiện nội dung Công ty GTS trao đổi với các nhân viên của Trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel về việc khách hàng đã nạp thẻ sử dụng chơi game bài Rikvip.
Vị điều tra viên nói trước tòa: “Quá trình làm việc bị can Thanh khai nhận, nội dung trả lời cho Trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel là do phía đối tác Phạm Tuấn Anh cung cấp. Như vậy, có căn cứ để xác định Thanh biết rõ việc kết nối với cổng thanh toán của Phạm Tuấn Anh (Công ty CNC) là để vận hành game bạc Rikvip"...
Bị cáo Châu Nguyên Anh.
Trung gian hưởng lợi hàng chục tỷ đồng
Trước đó, HĐXX thẩm vấn bị cáo Châu Nguyên Anh là Giám đốc điều hành Công ty VNPT EPAY. Theo cáo trạng, tháng 9/2015, Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán - Công ty CNC) đã trao đổi với Phạm Quang Minh (là nhân viên của Tuấn), sau đó báo cáo Nguyễn Văn Dương cho kết nối thêm với cổng thanh toán của Công ty CP thanh toán điện tử VNPT EPAY do Phạm Quang Minh làm Giám đốc kinh doanh.
Công ty VNPT EPAY sẽ thanh toán một phần sản lượng bằng tiền mặt đối với phần Công ty CNC (thực chất khi ký hợp đồng lại ký với Công ty Giải pháp Việt) không xuất hóa đơn; theo đó Công ty VNPT EPAY sẽ chuyển tiền mặt cho người mà Công ty CNC chỉ định; đồng thời Tuấn thỏa thuận với Phạm Quang Minh trích phần trăm hoa hồng cho Tuấn là 0,5% trên tổng doanh thu, Tuấn trích lại 0,2% cho Phạm Quang Minh.
Để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn theo yêu cầu của Nguyễn Quốc Tuấn, Phạm Quang Minh và Châu Nguyên Anh (SN 1979 ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, là Giám đốc điều hành Công ty VNPT EPAY) thỏa thuận với Nguyễn Đình Chiến (SN 1976, ở quận Hà Đông, Hà Nội, là người điều hành Công ty TNHH đầu tư và phát triển HQ Việt Nam - Công ty HQ) để nâng khống doanh số đối với 49 tờ hóa đơn giá trị gia tăng do Công ty HQ xuất cho Công ty VNPT EPAY, với tổng doanh số là hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó, doanh số nâng khống xác định là hơn 650 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Châu Nguyên Anh đã thừa nhận những thông tin trong phần cáo trạng nói trên là đúng. Về việc thanh toán một phần tiền mặt như trong cáo trạng, bị cáo Châu Nguyên Anh khai có nhận được đề xuất của cấp dưới nên đã chỉ đạo thực hiện. Trước khi mua 49 tờ hóa đơn nói trên, bị cáo khai có nhận được cảnh báo của kế toán nhưng do muốn giữ khách hàng nên vẫn thực hiện. Châu Nguyên Anh bị HĐXX truy vấn về hưởng lợi cá nhân gì từ hoạt động hợp tác với Công ty Giải Pháp Việt? Bị cáo Anh nói “hoàn toàn không được hưởng lợi cá nhân”.
Bị cáo Châu Nguyên Anh là đồng phạm với Phạm Quang Minh trong việc mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại Công ty VNPT EPAY. Hiện nay, Công ty VNPT EPAY đã nộp số tiền hơn 53 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Hành vi của bị can Châu Nguyên Anh đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Mua bán trái phép hóa đơn”.