Xét xử vụ Đồng Tâm: Thành khẩn khai báo, được hưởng khoan hồng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các luật sư, với đề nghị 2 án tử hình trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), đặc biệt, Viện KSND TP Hà Nội rút một phần cáo trạng và tội danh truy tố, từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” đối với 19 bị cáo thể hiện chuyển biến rất lớn về sự khoan hồng của pháp luật.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, xét cho cùng, những người này là nông dân, cũng chỉ là nạn nhân, do thiếu hiểu biết về pháp luật, bị lôi kéo bởi các đối tượng Lê Đình Kình, Lê Đình Công... Việc thay đổi tội danh, từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” là điểm nhấn rất lớn thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với những người biết ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, nhận thức ra sai phạm của mình. Tuy nhiên, cũng cần thiết nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong phiên tòa này.

Viện KSND TP Hà Nội quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ tội ''Giết người'' sang tội ''Chống người thi hành công vụ''. 

“Với tính chất mức độ hành vi đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án này, Viện Kiểm sát đề nghị tử hình 2 đối tượng cầm đầu, chủ mưu; có sự nhân nhượng, có sự khoan hồng nhất định đối với các đồng phạm khác trong vụ án.

Trong đó, đối với bị cáo Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), đã xem xét đến chính sách khoan hồng đối với người già phạm tội. Trong phiên tòa, bị cáo này quanh co chối tội nhưng sau một ngày đã chủ động thay đổi lời khai, thành khẩn nhận tội. Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi) là người tàn tật cũng đã được Viện Kiểm sát áp dụng các tình tiết giảm nhẹ…” - luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho rằng, Viện Kiểm sát quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt, để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, yên tâm cải tạo, tu dưỡng thành công dân có ích cho xã hội khi trở về địa phương.

Việc thay đổi tội danh là điểm nhấn rất lớn thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với những người biết ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, nhận thức ra sai phạm của mình 

“Có thể cho thấy, Viện Kiểm sát đã đưa ra những phân tích về việc thay đổi tội danh, tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện những tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong các giai đoạn tố tụng trước đó.

Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát ra quyết định nhằm đảm bảo truy tố có căn cứ, đúng tội danh, khung hình phạt. Vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, giúp họ có thể nhận thức rõ về những sai lầm” - luật sư Nguyễn Đào Tơ chia sẻ.

Ngoài ra, các luật sư cũng nhận định, tòa án đã đưa vụ án xét xử công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Quá trình xét hỏi cũng rất khách quan, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Cách xét hỏi của chủ tọa phiên tòa đã thể hiện rõ chính sách hình sự của nhà nước luôn khoan hồng với những người biết nhận ra sai lầm. Từ đó, có căn cứ để Viện Kiểm sát rút một phần tội danh, thay đổi tội danh ngay tại phiên tòa. Đây là điều rất bất ngờ trong phiên tòa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần