Trong phần đối đáp diễn ra chiều 18/9, ông Nguyễn Đức Bằng - đại diện cho 2 Công ty CP Đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue) và Công ty TNHH Đầu tư Kido (Công ty Kido) khẳng định, từ khi khởi tố vụ án cho đến khi mở phiên tòa, chưa có bất cứ hồ sơ hay văn bản nào nói Công ty Lavenue sai phạm. Thế nhưng trong cáo trạng, Viện KSND Tối cao lại đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên thu hồi số tiền tang vật trong vụ án là 355 tỷ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm và 157 tỷ của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP (Công QLKD nhà TP)...
Bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) và bị cáo Lê Thị Thanh Thúy đang được cảnh sát áp giải về trại giam tối 18/9. |
Cũng theo ông Bằng, Công ty Lavenue đã làm rất nhiều việc, như: Khâu chuẩn bị hồ sơ xin đầu tư và được chấp thuận, đầu tư quốc tế cũng được các đối tác nước ngoài tham gia. Tổng số tiền công ty đã chi ra hơn 48 tỷ đồng, chưa kể 647 tỷ đồng đã thực hiện nghĩa vụ nộp cho Nhà nước khi được giao và cho thuê đất.
“Đại diện Viện KSND cho rằng Công ty Lavenue và Công ty Hoa Tháng Năm năng lực kém - đây là nhận định phiến diện. Vì bà Lê Thị Thanh Thúy (đang là bị cáo trong vụ án) được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm điều hành hệ thống nhà hàng, khách sạn của gia đình ở Hội An (TP Đà Nẵng).
Về năng lực tài chính hoàn toàn có, vì khi Nhà nước yêu cầu nộp tiền thuê đất và tiền sử dụng đất của dự án, Công ty Lavenue nộp ngay 647 tỷ đồng. Cộng đồng DN thắc mắc tại sao không có bất cứ vi phạm nào, nhưng lại có vụ án hôm nay? Nếu kết luận Công ty Lavenue sai, có nghĩa đi ngược lại sự phát triển của kinh tế thị trường. Nếu trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ xem xét các trách nhiệm dân sự để tiến hành những bước tiếp theo”, ông Bằng, bức xúc nói.
Đối đáp lại ý kiến của đại diện của 2 công ty, phía Viện KSND TP Hồ Chí Minh nói: “Cáo trạng của Viện KSND Tối cao có đề nghị TAND TP khi xét xử nên tuyên thu hồi số tiền tang vật vụ án hơn 647 tỷ đồng, đây là phần trách nhiệm dân sự. Còn thiệt hại của Nhà nước thì Viện KSND đã đề nghị thu hồi 2 khu đất 8-12 Lê Duẩn, có nghĩa đã khắc phục hành vi vi phạm. Nếu cơ quan chức năng không phát hiện sớm, 2 lô đất này được chuyển cho một doanh nghiệp khác thì Nhà nước lại mất tiền vì phải bảo đảm cho bên thứ 3 ngay tình theo Luật Dân sự. Thậm chí nếu Công ty Lavenue chuyển nhượng cho một doanh nghiệp nước ngoài, sẽ phát sinh khiếu kiện phức tạp, thiệt hại của Nhà nước sẽ còn lớn hơn vì phải bồi thường”.
Đại diện Viện KSND cũng khẳng định có đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án. Nhưng việc tuyên án là quyền của HĐXX, nếu thấy phải bồi thường thì kê biên, nếu thấy không cần thiết lúc đó HĐXX sẽ tuyên hủy bỏ kê biên. |
Về số tiền tang vật bị đề nghị tịch thu, theo đại diện Viện KSND được chia thành 3 khoản. Khoản thứ nhất 157 tỷ của Công ty QLKD nhà TP (nằm trong 895 tỷ của của các cổ đông tham gia góp vốn vào Công ty Lavenue), là vốn 100% của Nhà nước nên phải thu trả lại ngân sách. Khoản thứ hai là 235,5 tỷ của Công ty Hoa Tháng Năm (nằm trong số vốn góp 895 tỷ), là số tiền bị cáo Thúy dùng vào việc phạm tội. Đó là nộp 30 tỷ để có 30% cổ phần, sau đó qua các lần tăng vốn điều lệ, có nghĩa tiền này có nguồn gốc từ việc phạm tội lúc đầu, vì vậy Viện KSND đề nghị tịch thu sung quỹ.
“Số tiền còn lại hơn 200 tỷ của Công ty Kido (trước kia là Công ty Kinh Đô), chúng tôi cho rằng quá trình tham gia dự án, Công ty Kido không tìm hiểu kỹ pháp lý. Khi Công ty Kido nhận chuyển nhượng 50% vốn góp của nhóm 4 Công ty đang thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn, lúc đó mới có chủ trương, chưa có việc Nhà nước cho thuê đất. Chính vì 4 Công ty chuyển nhượng cho Công ty Kido trước khi TP giao đất và cho thuê đất, rồi sau đó đồng ý để bị cáo Thúy đại diện pháp nhân Công ty Lavenue đề xuất xin dự án với 2 hình thức trái pháp luật nên Công ty Kido không có lỗi. Trong quá trình điều tra, chúng tôi có đề nghị cơ quan điều tra làm rõ Công ty Kido (lúc đó đại diên là ông Trần Lệ Nguyên) có bàn bạc gì với các bị cáo không? Do không đủ căn cứ, nên chúng tôi đề xuất trả phần tiền còn lại cho Công ty Kido”, đại diện Viện KSND nói.