Xì gà nhập lậu: Khó xử lý vì Luật “vênh” Nghị định

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lực lượng chức năng liên tục phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn lậu xì gà số lượng lớn cho thấy hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng này đang diễn biến phức tạp. Đáng nói là trong quá trình xử lý các vi phạm, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do một số quy định pháp luật “vênh” nhau.

 Quản lý thị trường kiểm tra thu giữ xì gà nhập lậu tại cửa hàng Thế giới Cigar 51 Hàng Bài. Ảnh: Nam Lê
Liên tục bắt giữ các vụ nhập lậu

Ngày 19/3, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh xì gà có địa chỉ tại số 55 phố Hàng Gà đã phát hiện 7.059 điếu xì gà của nhãn hiệu Cohiba, Romeo... Tại thời điểm kiểm tra cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên.

Trước đó vào ngày 14/3, Hải quan Hà Nội kiểm tra lô hàng gửi theo đường bưu chính quốc tế từ CHLB Đức vào Việt Nam đã phát hiện 375 điếu xì gà nhãn hiệu Cohiba và Romeo Y Julieta Habana, nhưng người nhận hàng trên vận đơn từ chối nhận. Cùng ngày, Hải quan Nội Bài kiểm tra vali của hành khách Villar CeBallos (quốc tịch Cu Ba) phát hiện 663 điếu xì gà không giấy phép nhập khẩu.

Thực tế cho thấy mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh việc ngăn chặn buôn lậu xì gà vào Việt Nam, nhưng trên thị trường các loại xì gà “xách tay”, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ được bày bán công khai. Khảo sát thực tế của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại cửa hàng kinh doanh phụ kiện hút xì gà trên đường Nguyễn Khang, nhân viên giới thiệu các chủng loại xì gà “xách tay” từ đắt đến rẻ tiền. Tương tự, tại cửa hàng Thế Giới Cigar 51A Hàng Bài và cửa hàng Cigar & Wine 1973 Lounge số 36 Bà Triệu, rất nhiều các loại xì gà nổi tiếng được bày trong hộp gỗ nhưng đều không có tem mác rõ ràng, các nhân viên cũng tư vấn cho khách hàng xì gà của cửa hàng đa phần là hàng xách tay nên cứ yên tâm về giá cả cũng như chất lượng.

Không chỉ bày bán tại các điểm cố định, trên các trang mạng xã hội như Facebook cũng xuất hiện nhiều nick rao bán xì gà Cuba chính hãng từ CHLB Đức, Pháp, Cuba và châu Âu. Khi khách hàng hỏi mua, chủ nick đều khẳng định đảm bảo hàng chuẩn 100%.

Khó khăn trong xử lý

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình đã có Công điện yêu cầu BCĐ 389 các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu xì gà qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường hàng không; xử lý việc tàng trữ, mua bán xì gà trái phép qua mạng Internet.

Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng trong quá trình xử lý gặp khó khăn do sự thiếu “nhất quán” trong các quy định pháp luật. Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định: Đối với hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu số lượng từ 500 bao trở lên thì phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Luật số 12/2017/QH14 (20/6/2017) sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định: Phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phạt tù đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên.

Tại văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 9/5/2014 Bộ Công Thương quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế hoặc kinh doanh có điều kiện thì thuốc lá, xì gà thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Thế nhưng tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 hướng dẫn kinh doanh thuốc lá nêu rõ đây là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Vậy trong quá trình xử lý lực lượng chức năng nên áp dụng văn bản nào cho phù hợp” - ông Kiên đặt câu hỏi.

Không chỉ có vậy theo Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) Nguyễn Tiến Đạt, trong quá trình xử lý các vụ buôn lậu xì gà, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn khi áp dụng quy định pháp luật. Theo quy định Bộ Luật hình sự 2015, thuốc lá nhập lậu phải có giá trị từ 100 triệu trở lên; nếu buôn bán hàng qua biên giới thì hàng phạm pháp phải có giá trị từ 50 triệu trở lên mới cấu thành tội phạm. Thế nhưng xì gà nhập lậu là mặt hàng bị cấm lưu thông trên thị trường nên không xác định được giá trị dẫn đến việc xử lý hình sự gặp nhiều khó khăn.

Để kiểm soát, ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu xì gà bên cạnh việc lực lượng chức năng tích cực triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn, đòi hỏi cơ quan lập pháp sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng nhất quán giữa các nghị định, luật.