Xóa bếp than tổ ong: Cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của người dân

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xóa bếp than tổ ong trên địa bàn TP Hà Nội đã có những cải thiện rõ rệt, tuy nhiên do còn một bộ phận người chưa thay đổi nhận thức nên vẫn còn không ít hộ gia đình, hộ kinh doanh sử dụng bếp than tổ ong trên các tuyến phố.

Bếp than tổ ong được đặt ngay cạnh gốc cây trên vỉa hè phố Quán Thánh (quận Ba Đình).

Dẫu biết, việc xóa bếp than tổ ong trên địa bàn TP vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều nhưng một trong những nguyên nhân là do người dân chưa thực sự nhận thức hết được sự nguy hại của bếp than tổ ong đến sức khỏe, mặt khác còn vì những lợi ích kinh tế khác.
Quán ăn trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ) đã dùng bếp công nghiệp nhưng vẫn không thể thiếu 1 chiếc bếp than.

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trên các tuyến phố như Hàng Cót, Hàng Gai, Gầm Cầu, Chợ Hàng Da… (quận Hoàn Kiếm), phố Quán Thánh (quận Ba Đình), phố Thụy Khê (quận Tây Hồ), hay khu phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), đặc biệt là khu chung cư, khu tái định trên phố Hoàng Đạo Thúy, khu Trung Hòa - Nhân Chính..., hình ảnh người dân và hộ kinh doanh sử dụng bếp than để đun nấu vẫn nhiều.
Bếp than được xếp hàng dài trên phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy).

Dọc tuyến phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm) chỉ dài vài chục mét, nhưng hầu như cửa hàng bán đồ ăn nào cũng sử dụng bếp than, có cửa hàng xếp thành hàng 4,5 bếp. Người dân lưu thông qua đây cũng cảm thấy mùi than bốc lên rất khó chịu.
Bếp than được đặt ngay lối ra vào ngõ nhỏ trên phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm).

Không những vậy, nhiều hộ gia đình đun nấu bếp than ngay trước cửa nhà, thậm chí người lớn cũng để các cháu nhỏ ngồi ngay cạnh bếp than để nghịch, mà không lường trước những nguy hại của nó đến sức khỏe. Người già, trẻ em khi hít phải mùi than tổ ong rất dễ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Bếp than được đặt ngay trước cửa nhà trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ).

Đặc biệt, tại các khu chung cư, khu tái định cư nằm trên tuyến phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy) có rất nhiều các quán ăn, nhà hàng vì khu vực này rất đông dân cư, các công ty, văn phòng làm việc.
Cùng với đó, là sự xuất hiện dày đặc của bếp than tổ ong ở các nhà hàng quán ăn này, họ dùng để đun nấu ngay trên vỉa hè và không hề che chắn. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh.
Quán ăn trong khu chung cư trên phố Hoàng Đạo Thúy.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của TP đến năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trước mắt là khu vực nội thành. Sở phối hợp với UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm Phát triển xanh (GreenHub) cùng nhiều DN sản xuất bếp cải tiến sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường triển khai thí điểm xóa bếp than tổ ong, giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường...
Vì vậy, để sớm đạt được mục tiêu này, không chỉ cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền mà người dân cung phải sớm thay đổi nhận thức bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Hi vọng rằng, trong thời gian sắp tới sẽ không còn sự xuất hiện bếp than tổ ong trên các tuyến phố cuả Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần