Xóa bỏ “xin - cho” giúp tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Bài, ảnh: Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Trong đó, cùng với việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, TP cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý vi phạm.
Theo UBND TP Hà Nội, từ năm 2009 đến tháng 6/2020, qua công tác kiểm tra nội bộ, chưa phát hiện và xử lý trường hợp tham nhũng nào. Từ ngày 1/6/2009 đến 1/6/2020, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm trên 3.597 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 2.380 tỷ đồng, kiến nghị khác trên 1.185 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 2.000ha đất, xử lý hành chính 523 tập thể và 579 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính trên 375 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 57 cuộc.
 Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 22,5 tỷ đồng và 17,5ha đất; kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 43,8 tỷ đồng và 3,7ha đất; kiến nghị điều chỉnh 109 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; bán bổ sung 8 nhà tái định cư, thu hồi và điều chỉnh 31 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý về hành chính 229 tập thể và 389 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 30 vụ. Số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã xét xử là trên 15.687 tỷ đồng, 52.221m2 đất, 1.774m2 đất phi nông nghiệp, 79.896 USD, 2.750 Euro. Số tiền tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng...

Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn Xuân Minh cho biết, dự báo tình hình tham nhũng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, GPMB; đầu tư xây dựng; tài chính, thuế... với tính chất ngày càng phức tạp; thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực ngày càng rộng.
Đặc biệt, vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, thực hiện chế độ chính sách người có công đã gây bức xúc dư luận…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, các cấp, các ngành phải quán triệt mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các quy định của pháp luật về PCTN trên tinh thần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.
Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng “xin - cho”, tập trung trong các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, tín dụng, mua sắm tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý DN Nhà nước. Cùng với đó là việc tăng trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức…

"Các cơ quan, đơn vị phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN gắn với xử lý nghiêm các vụ án về tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính với quy tắc ứng xử nơi công cộng; gắn chặt công tác PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí." - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần