Xóa định kiến giữa người dân với cảnh sát giao thông: Hãy làm đúng việc của mình

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, dường như trong ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông, coi Cảnh sát giao thông (CSGT) như một thứ “ngáo ộp” khó ưa.

Điều này không những tạo nên rào cản trong giao tiếp mà còn dần hình thành định kiến xã hội, khiến không ít người có ác cảm, thậm chí là hành vi chống đối CSGT.
Vô tình tiếp tay cho vi phạm
Từ thành thị đến nông thôn, từ quốc lộ đến đường làng, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường... Vi phạm dường như đã trở thành thói quen, thành những điều bình thường, thậm chí là tất yếu trong hành vi của rất nhiều người. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có phần vì đường sá chật chội, dẫn đến tâm lý vội vã; cũng có phần vì việc xử phạt vi phạm của CSGT chưa thực sự nghiêm minh, công bằng. Rồi từ một vài trường hợp nhỏ lẻ nhân lan rộng hơn, khiến vi phạm giao thông ngày một phổ biến.

Xử phạt người vi phạm giao thông trên phố Thái Hà. Ảnh: Hải Linh

Quan sát tại bất kỳ ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu nào trong nội thành Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp cảnh hàng đoàn người chen chúc đè vạch sơn, xe máy nối nhau đi trên vỉa hè, ô tô dàn hàng ken kín mặt đường... Tình cảnh lộn xộn đó diễn ra mỗi ngày khiến CSGT cũng phải "bó tay".
Nhưng mặt khác, chính việc quá nhiều vi phạm, xử lý không xuể lại hình thành nhiều hiệu ứng tâm lý tiêu cực đối với cả người dân lẫn CSGT, nên không ít người cho rằng “bao nhiêu người vi phạm chẳng riêng gì mình” hoặc “CSGT xử lý được 1, 2 chứ xử lý làm sao được hết, chắc gì đã đến lượt mình”. Đến khi bị CSGT xử lý, nhiều người lại so đo, bì tị: “Sao không bắt người kia mà lại bắt tôi”. Còn CSGT, trong giờ cao điểm, xử lý không xuể mà đôi khi dừng một chiếc xe để kiểm tra lại có thể khiến cả đoạn đường ùn ứ. Dẫn đến tâm lý nhắm mắt cho qua, vô tình khiến những vi phạm pháp luật về giao thông có điều kiện sinh sôi, lây lan ngày càng rộng.
Định kiến
Có thể nói, đa số người tham gia giao thông khi bị xử phạt vi phạm khó lòng mà “vui vẻ” chấp hành. Dường như thói quen của người vi phạm là “xin xỏ”, hối lộ để được tha. Không xin được, có người thì lý luận, có người lại phản ứng gay gắt, thậm chí mạt sát, đe dọa, hành hung CSGT. Tình trạng này đang một mặt góp phần “tha hóa” đội ngũ CSGT, một mặt gây áp lực, nguy hiểm cho lực lượng chức năng.
Mỗi chiến sỹ CSGT phải ý thức rõ mình đang đại diện cho cả hệ thống thực thi pháp luật, đừng vì cái lợi nhỏ mà làm ảnh hưởng đến cả lực lượng, đến những đồng đội, đồng chí của mình.
Ths Tâm lý học xã hội  Nguyễn Anh Minh
Nếu chỉ bị nhắc nhở rồi cho đi, gần như chắc chắn người vi phạm sẽ nhờn luật. Nếu việc đưa – nhận hối lộ thành công, người vi phạm lại coi thường, khinh khi còn CSGT lại dễ hình thành thói quen xử sự tiêu cực, vòi vĩnh người vi phạm. Một vài trường hợp tiêu cực xuất hiện lập tức khiến cộng đồng, xã hội có những phán xét thiếu khách quan, quy chụp cho cả lực lượng CSGT. Đối với không ít người hiện nay, CSGT chỉ là những kẻ đòi “mãi lộ”, hình ảnh người Công an Nhân dân ít nhiều đã mất đi niềm tin yêu trong mắt họ.
Ngược lại, những người vi phạm có thái độ chống đối, manh động lại tạo nên áp lực, nguy hiểm cho nghề CSGT. Hệ lụy tất yếu của những xung đột đó là định kiến xã hội tiêu cực. Trong ý thức của cả người dân lẫn CSGT, bên này không ưa gì bên kia, thiếu sự cảm thông, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Mà một khi đã sẵn định kiến về nhau thì khó lòng tránh được va chạm trong giao tiếp. Có thể nói, giữa CSGT và người tham gia giao thông hiện đang tồn tại một rào cản ý thức rất lớn. Chừng nào rào cản này còn tồn tại, việc giao tiếp, ứng xử giữa CSGT với người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc tuyên truyền ý thức cho người dân và giữ gìn tính nghiêm minh của pháp luật.
Hãy làm đúng
Các chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng, có rất nhiều cách lý giải, nhiều biện pháp để xóa bỏ định kiến giữa người dân với CSGT. Tuy nhiên, nói một cách ngắn gọn thì mỗi bên hãy làm đúng việc của mình. Người dân khi tham gia giao thông hãy nghiêm túc chấp hành luật pháp, một khi không vi phạm thì dù có bị kiểm tra đột xuất cũng không phải chịu bất kỳ hình thức xử lý gì. Chính việc hoặc phạm lỗi này hoặc phạm lỗi khác, không đi sai làn đường thì lại “quên” bật xi nhan hay quên mang giấy tờ xe... khiến người dân thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, bực bội, sợ sệt khi gặp CSGT. Ths Tâm lý học xã hội Nguyễn Anh Minh cho rằng: “Người dân đã tự mình khoác lên chiếc áo mặc cảm tội lỗi khi cố tình vi phạm dù chỉ một lỗi nhỏ. Đối diện với lực lượng chức năng trong mặc cảm tội lỗi tất yếu sẽ làm nảy sinh những phản ứng tiêu cực như: xin xỏ, hối lộ, phản ứng, đe dọa...”.
Ông Nguyễn Anh Minh cũng nhận định: “Về phía CSGT, nghề của họ vốn đã rất vất vả, áp lực và nguy hiểm. Có thể nói nghề này thuộc diện khắc nghiệt nhất trong xã hội hiện nay. Phải có bản lĩnh, sự kiên định tuyệt đối mới có thể theo được nghề”. Chiến sỹ CSGT khi kiểm tra, xử lý bất kỳ trường hợp vi phạm nào, trước hết cần thực hiện đúng quy chế của ngành, tỏ rõ thái độ nghiêm túc, tôn trọng người dân. Mặt khác, trước khi xử phạt cần có sự giải thích rõ ràng, uyển chuyển để người vi phạm hiểu và “tâm phục, khẩu phục”. Đặc biệt, người CSGT phải giữ mình liêm chính, không để bị lung lạc, đánh mất bản lĩnh người công an Nhân dân.
Chỉ khi cả người dân lẫn CSGT có sự tôn trọng, cảm thông và tin tưởng vào nhân cách, đạo đức nghề nghiệp của nhau, rào cản giữa họ mới có thể bị phá bỏ. Đừng quên, chính CSGT là một trong những lực lượng tuyên truyền, vận động tích cực nhất để người dân chấp hành luật pháp, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần