Xoa dịu Pháp, ông Biden thừa nhận "vụng về" khi bàn thỏa thuận tàu ngầm với Australia

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng Mỹ "vụng về" khi bàn thảo thỏa thuận tàu ngầm với Australia sau lưng Pháp.

"Chúng tôi không có đồng minh nào tốt hơn Pháp", ông Biden chia sẻ tại trong khuôn khổ hội nghị G20 - cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Pháp kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng trước.
“Những gì chúng tôi đã làm rất vụng về, nó không được thực hiện một cách khéo léo,” Tổng thống Biden thừa nhận. 
Cuộc tranh cãi giữa Pháp-Mỹ nổ ra vào tháng trước sau khi Australia rời khỏi thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD với Paris để chuyển sang một thỏa thuận thay thế với Mỹ và Anh. Chính phủ Pháp phẫn nộ gọi thỏa thuận dẫn đến việc hủy hợp đồng với Australia là "một nhát dao đâm sau lưng".
 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Rome, Italia. Ảnh: Reuters
Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 đã công bố một liên minh mới bao gồm Australia và Anh hay còn gọi là AUKUS, dự kiến sẽ cung cấp một hạm đội gồm ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.  Trong diễn biến liên quan, Australia đột ngột rút khỏi hợp đồng trị giá 90 tỷ đô la Australia (66 tỷ USD) đặt hàng Tập đoàn Hải quân quốc doanh Pháp đóng 12 tàu ngầm chạy bằng diesel-điện Shortfin Barracuda đã vấp phải phản ứng giận dữ từ Paris.  Điều này được cho là lý do khiến Canberra rút khỏi hợp đồng với Pháp.
Việc “mở lời” của ông Biden với Tổng thống Pháp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự căng thẳng từ Mỹ kể từ khi Pháp giận dữ triệu hồi các đại sứ của họ từ Washington và Canberra sau khi liên minh. “Tôi có ấn tượng rằng Pháp đã được thông báo từ lâu trước đó, rằng thỏa thuận (của Pháp) sẽ không được thông qua,” Tổng thống Mỹ phân trần.
Ông Biden cũng miêu tả Pháp là một “đối tác cực kỳ, cực kỳ được coi trọng ... và tự thân nó là một cường quốc” với những “giá trị tương tự” như Mỹ, trong nỗ lực mới nhất xoa dịu đồng minh hàng đầu châu Âu của Washington.
Về phần mình, ông Macron hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng, lưu ý rằng một loạt cuộc tham vấn giữa Paris và Washington đã diễn ra trong những tuần gần đây. “Chúng tôi đã làm rõ những gì chúng tôi cần làm rõ. “Điều thực sự quan trọng bây giờ là chúng ta sẽ làm gì cùng nhau trong những tuần tới, những tháng tới, những năm tới,” Tổng thống Pháp khẳng định.
Pháp mong đợi sự hỗ trợ nhiều hơn của Mỹ cho sứ mệnh quân sự chống lại các phần tử thánh chiến ở Sahel, cũng như hỗ trợ rõ ràng hơn cho các kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu. Đây là những mục tiêu lâu dài của Pháp. Tại một cuộc gặp khác ở Rome với Thủ tướng Italia Mario Draghi, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Mỹ dường như cởi mở với ý tưởng này.
Ông Biden và Draghi đã nói về “sự hữu ích của việc phát triển một nền quốc phòng châu Âu cũng như đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương, một cách bổ sung đầy đủ”.