Xóa khoảng tối trong đấu thầu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng đấu thầu quốc gia (địa chỉ muasamcong.mpi.gov.vn) được thí điểm từ năm 2009 - 2013 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2016, nhưng đến nay chỉ có 18% gói thầu theo quy định phải tiến hành qua mạng được thực hiện. Mức tỷ lệ 18% còn phản ánh một hiện trạng, quyết tâm chính trị trong triển khai hình thức đấu thầu qua mạng của người đứng đầu nhiều đơn vị chưa cao, và chế tài xử lý vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

 Mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ muasamcong.mpi.gov.vn
Có một số lý do thông thường được các nhà thầu hay nhà cung cấp viện dẫn ra như, chưa quen với hình thức đấu thầu qua mạng (ĐTQM), rồi hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn nhiều rào cản kỹ thuật, chưa có mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng cho lĩnh vực xây lắp...
Khó khăn về luật, hạ tầng, con người… là có, nhưng ít. Phần nhiều là khó khăn về tâm lý. Nhiều đơn vị không muốn ĐTQM, vì “công khai, minh bạch quá”. Họ thà chấp nhận các gánh nặng thủ tục hành chính hơn là không còn “khoảng mờ” cho những phân chia lợi ích.

Có thể nói, dù ĐTQM hay không đều khó tránh tình trạng “quân xanh – quân đỏ” và việc lựa chọn nhà thầu khó tránh khỏi ý chí chủ quan của chủ đầu tư. Nhưng ĐTQM sẽ giúp hạn chế những tồn tại đó. ĐTQM hướng tới xây dựng hệ thống thông tin rõ ràng, công bố công khai để các nhà thầu giám sát lẫn nhau. Tiến tới quy định chủ đầu tư phải nói rõ nhà thầu bị loại và lý do vì sao. Nhà thầu có thể chất vấn chủ đầu tư vì sao hồ sơ không đủ điều kiện, vì sao đặt mức giá cạnh tranh mà vẫn bị loại.
Hơn thế, qua chính sách này, khả năng quản trị của các cơ quan quản lý, các địa phương càng được nâng cao; ngân sách càng được sử dụng hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính; tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, đồng thời giúp phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

“Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017 chỉ ra: Chi đầu tư từ ngân sách của Việt Nam chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006 - 2010. Bội chi ngân sách lớn, nợ công cao. Theo tính toán, ĐTQM giúp tiết kiệm bình quân khoảng 10% giá trị đấu thầu mua sắm. Mỗi năm, tổng giá trị các gói mua sắm công và do các đơn vị Nhà nước thực hiện mời thầu khoảng trên 20 tỷ USD. Nếu tất cả các gói thầu được thực hiện qua mạng sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ USD ngân sách.

Tháng 8/2017, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện công khai thông tin trong đấu thầu và thực hiện lộ trình ĐTQM theo quy định.
Thời gian tới, bên cạnh xây dựng khung pháp lý cụ thể, chi tiết, thiết kế phần mềm chấm thầu tự động, xây dựng lộ trình bắt buộc... thì công tác ĐTQM không nên chỉ tiến tới mở rộng việc mua sắm tài sản công trên cả nước. ĐTQM cần mở rộng trong tất cả các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách… Đồng thời, cần có quy chế xử lý các đơn vị không hoặc chưa đạt tỉ lệ áp dụng ĐTQM theo kế hoạch. Chỉ có thể quyết liệt, làm nghiêm mới đưa hoạt động đấu thầu đạt hiệu quả, tránh những tiêu cực cũng như giúp tiết kiệm cho ngân sách.