Xóa nợ thuế: Phải công khai, minh bạch

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết về xóa nợ thuế đang tiếp tục được cơ quan chức năng đưa ra để lấy ý kiến với dự kiến xóa hơn 27.700 tỷ đồng nợ thuế. Theo các chuyên gia, việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu hồi là cần thiết, tuy nhiên, xóa thế nào để không “gắp nhầm” hoặc cố tình “gắp nhầm” và “bỏ sót” các đối tượng cần xóa là câu chuyện nên được bàn kỹ hơn.

 Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Chi cục thuế Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải

Dự kiến xóa nợ gần 28.000 tỷ đồng

Số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến 31/12/2017, tổng số tiền thuế nợ là 78.466 tỷ đồng; trong đó, số nợ do cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng (số nợ không có khả năng thu hồi chiếm 31.469 tỷ đồng); nợ do cơ quan Hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng (số nợ không có khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng).

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Văn Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế không có khả năng thu hồi và số nợ này chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nợ. Thứ nhất, do một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng số nợ đọng. Thứ hai, có tới 14.816 DN tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể DN theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng; có 256 DN mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng là 688 tỷ đồng; có hơn 620.000 người nộp thuế (cả DN, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật thuế và các luật quản lý thuế, dẫn đến nhiều thay đổi về chính sách thuế. Tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể, hiệu quả về giải quyết nợ thuế tồn đọng. Vì thế, trên cơ sở các trường hợp dự kiến được xóa nợ theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng.

Tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát

Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho Nhà nước. Việc xóa nợ cũng đồng thời sẽ làm minh bạch số liệu, dữ liệu tiền nợ thuế và phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ thuế để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho rằng, những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi nhiều năm đang gây khó khăn cho công tác quản lý. Do vậy, cần sớm thực hiện xóa nợ, một mặt giảm gánh nặng cho ngân sách, mặt khác giúp cơ quan quản lý thuế có thể tập trung vào những nhiệm vụ khác thay vì mất thời gian vì những khoản thuế không đòi được.

Tuy nhiên, xóa nợ thuế là một việc làm khá “nhạy cảm”. Nếu được thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ có tác động trên toàn quốc. Do đó, yêu cầu cần phải có sự chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ thuế của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc thực hiện xử lý nợ công khai, minh bạch, chính xác đúng đối tượng, đảm bảo tính nghiêm minh và không để thất thu ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ để đảm bảo công tác xóa nợ được minh bạch, công khai và công bằng. Hơn nữa, cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện, vì đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách.