Xóa xin - cho, bỏ duyệt - cấp

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy nhanh quá trình thoái vốn tại các DN Nhà nước, đồng nghĩa với việc Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối tại những DN cần thiết, liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng, trong khi nhiều DN khác sẽ để thị trường quyết định sự tồn tại, phát triển hay phá sản.

 Đồng thời với đó là những thông điệp mạnh mẽ khuyến khích kinh tế tư nhân từ người đứng đầu Chính phủ được coi những quyết sách quan trọng có thể tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

 Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra chiều ngày 6/12, cùng với việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém tại nhiều DNNN, người đứng đầu Chính phủ còn tỏ rõ sốt ruột trước việc tái cơ cấu DNNN, cổ phần hóa (CPH) DN vẫn chậm so với yêu cầu. Mặc dù nắm giữ một lượng lớn nguồn lực của xã hội nhưng có thể thấy, nhiều DNNN đang đuối sức trong chiến lược phát triển. Không ít dự án đầu tư với số vốn lớn do DNNN triển khai hiệu quả thấp, lãng phí thậm chí thất thoát vốn… đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc tái cơ cấu những DN này. Đã đến lúc không thể chấp nhận những DN lớn, nhận được nhiều ưu ái về vốn, nguồn lực, đất đai… nhưng hiệu quả hoạt động thấp, thậm chí thua lỗ, trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế trong khi không ít những DN nhỏ và vừa (DNNVV), phần lớn trong số đó là DN tư nhân, còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỷ suất cũng như mức đóng góp lại không ngừng gia tăng. Cơ cấu lại khu vực DNNN, đẩy nhanh quá trình CPH và thoái vốn Nhà nước khỏi những DNNN làm ăn kém hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cũng như cơ hội cho DN tư nhân tham gia quá trình này thông qua các công cụ tài chính, chính sách, mua bán cổ phần đang là những bước chuyển cần thiết hiện nay.

Chính vì thế, như một sự tất yếu, cùng với việc xóa bỏ cơ chế "xin - cho", “duyệt - cấp", lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi... tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, Chính phủ, từ Thủ tướng đến các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng những chính sách để DNNVV phát triển. Đây được đánh giá là sự thay đổi căn bản về nhận thức khi kinh tế tư nhân được đặt đúng vị trí là động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế thời gian tới. Điều này cũng đòi hỏi DN tư nhân cũng phải tự hoàn thiện mình. “Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm, không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực”, đây là thông điệp mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN.