Xốc lại ý thức cảnh giác

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, thông tin về ca bệnh mang số 416 xuất hiện tại Đà Nẵng và liên tiếp những ca sau đó được công bố, không khỏi khiến dư luận xã hội thêm lo lắng trước dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc rất nhanh chóng từ T.Ư đến các địa phương, các ngành chức năng, những biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch đã được đưa ra. Hơn hết, tinh thần cảnh giác, không lơ là một lần nữa được nhấn mạnh.
Không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang là thông điệp tiếp tục được liên tục phát đi trong lúc này. Dù đã nhiều ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng dịch vẫn còn rất phức tạp khi thế giới chưa có vaccine và thuốc đặc trị.
Tinh thần luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng dù liên tục được quán triệt, tuy nhiên, thực tế, tình trạng lơi lỏng, có chút chủ quan cũng đã ít nhiều xuất hiện ở một vài nơi. Bởi thế, khi có ca nhiễm mới trong cộng đồng, việc “kích hoạt” lại hệ thống phòng dịch chặt chẽ những thời điểm trước đây đã được nhắc tới.
Hơn thế nữa, ca bệnh xuất hiện khi các hoạt động phát triển kinh tế đang bắt đầu được phục hồi trở lại, người dân đã ít nhiều quay lại nếp sinh hoạt thông thường. Dù bệnh dịch là điều không ai mong muốn, khó đoán định trước, nhưng đúng như nhận định của Chính phủ, nỗi lo lần này cũng không giống nỗi lo lần trước.
Giờ đây đã là lo chồng lo. 7 tháng trước, người dân chỉ lo dịch bệnh bùng phát, không nhiều quan tâm đến hàng loạt hoạt động bị đình trệ; 7 tháng sau, cùng với lo dịch bệnh, còn phải tính đến cả câu chuyện kinh tế. Thử thách chồng thử thách, nỗi lo chồng nỗi lo thì quyết tâm thêm quyết tâm, nỗ lực càng nỗ lực.
Ngay lập tức, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đề cao cảnh giác và tập trung cao độ, không để tình hình xấu đi. Những văn bản, chỉ đạo nhanh chóng được ban hành và thực thi, các cơ quan chức năng căng mình "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để truy vết, khoanh vùng, cách ly. Toàn bộ các hoạt động của các Ban Chỉ đạo và đội phản ứng nhanh phòng chống Covid-19, các công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực chống dịch… được kích hoạt không chỉ ở Đà Nẵng mà trong cả nước.
Người dân cảm thấy an tâm hơn và tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đã và đang triển khai, với quyết tâm xử lý gọn từ đầu, cố gắng kiểm soát dịch bệnh. Nhưng phòng chống dịch Covid-19 không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mà còn rất cần sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân.
Bởi thế tinh thần nâng cao cảnh giác, tuân thủ các khuyến cáo từ các ngành chức năng, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện các việc phòng hộ cá nhân và phòng hộ cho cả những người xung quanh mình là rất cần thiết vào lúc này. Dù về cơ bản chưa có hạn chế đi lại, nhưng như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết và đặc biệt tránh làm hoang mang thêm tình hình bằng những hành động không đáng có.
Rất đáng mừng, trong những ngày qua, để tự phòng ngừa cho mình và cho chính cộng đồng, nhiều người dân khi đi từ vùng có dịch về đã chủ động khai báo y tế, thậm chí tự cách ly. Có người đã làm hẳn bảng thông báo đi từ vùng dịch về, đang cách ly, dán trước nhà, mong mọi người thông cảm không đến gần.
Câu chuyện tưởng như “không giống ai” ấy đã thế hiện rất rõ ý thức phòng chống dịch của người dân. Nếu người dân nào cũng có nêu cao tinh thần tự giác như vậy, từng người, từng nhà, từng khu phố… thực sự là những pháo đài phòng, chống dịch, có thể góp phần rất lớn để nhanh chóng đầy lùi dịch bệnh như chúng ta đã từng làm được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần