Xông bồ kết có thể diệt được virus Covid-19?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều bà nội trợ đang truyền tai nhau phương pháp xông bồ kết có thể diệt được virus Covid-19 nên đổ xô đi mua khiến giá bồ kết tăng gấp đôi vẫn khó mua. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, phương pháp này chưa hề có chứng minh khoa học nào về khả năng diệt trừ virus Covid-19.

Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người.
Bồ kết lên “cơn sốt”
Ghi nhận từ thực tế, những ngày qua bồ kết khô bất ngờ lên “cơn sốt”, được người dân đua nhau mua về xông nhà diệt khuẩn khiến giá mặt hàng này tăng gấp đôi ngày thường.
Lo lắng sức khỏe cho gia đình trước dịch Covid-19, chị N.T.X. (phường Dương Nội, quận Hà Đông) đi chợ mua 2kg bồ kết dùng để đốt, làm “vũ khí” bảo vệ cho cả nhà. Trong khi, giá bồ kết không hề rẻ, chị X. phải mua bồ kết với giá 150.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước đó. Theo lời giải thích của người bán hàng, bồ kết đợt này không có mà bán, lấy được chừng nào, mọi người mua hết đến đấy. Giá cao nhưng các tiểu thương cũng không có hàng để bán.
Thời gian qua, nhiều người đã xông bồ kết với hy vọng có thể chống dịch.
Chẳng biết đọc thông tin, tài liệu tham khảo ở đâu, trước giờ đi ngủ, chị X. mang một nắm bồ kết (khoảng 300gam) đưa lên tầng để đốt nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chồng và con chị X. được một phen hú vía khi chẳng biết đốt bồ kết có phòng được bệnh Covid-19 hay không, chỉ biết trước mắt, suýt chết vì sặc khói, sặc mùi khét…
Không chỉ chị X., trên các diễn đàn mạng xã hội, người dân cũng đang truyền tai nhau kinh nghiệm đốt quả bồ kết để chống dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, việc đốt bồ kết khử trùng với mong muốn đẩy lùi virus Covid-19 là sai lầm. Vì theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), virus Covid-19 là chủng đặc biệt, có 79,5% điểm tương đồng so với SARS-Co, muốn diệt trừ loại virus này cần phải có vaccine phòng. Trong khi đó, theo y học cổ truyền, các nguyên liệu này có tính chất diệt khuẩn, làm sạch không khí, thanh nhiệt, giải độc... chứ không thể chống hay chữa được hoàn toàn virus Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, lương y Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội) cho rằng, việc uống tỏi, đốt bồ kết để phòng ngừa Covid-19 cũng không có cơ sở. “Người dân vẫn có thể dùng tinh dầu sả để xịt quanh nhà cho sạch sẽ và thơm tho, nhưng cũng không nên hy vọng nó có thể tiêu diệt được virus Covid-19 có trong không khí (nếu có)”- Lương y Nguyễn Hồng Siêm nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, phương pháp đốt bồ kết này không phải đều tốt với tất cả mọi người, vẫn có một số trường hợp cần lưu ý không xông bồ kết tại nhà.
Theo Đông y, những người có dấu hiệu ho ra máu, nôn ra máu, những người mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh dạ dày, tá tràng, tỳ vị yếu thì không nên dùng bồ kết. Nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng, trong bồ kết có chất tẩy rửa, có tính acid nhẹ sẽ dễ tác động gây hưng phấn cổ tử cung dẫn đến sinh non, sảy thai và còn ảnh hưởng tới thai nhi (dễ bị dị tật).
Vì vậy, phụ nữ đang mang thai cũng không được dùng hay ngửi mùi bồ kết. Những người có tiền sử mắc chứng hen suyễn, người yếu, người dị ứng với tinh dầu bồ kết, hoặc đang đói cũng không được xông. Việc xông bồ kết cũng cần chú ý đến liều lượng tối đa, tránh việc lạm dụng quá nhiều, chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ mỗi lần xông. Đối với người lớn, người khỏe mạnh thì 3 - 4 quả còn với trẻ nhỏ thì chỉ nên sử dụng từ 1 - 2 quả một lần, một ngày cũng không nên đốt quá nhiều lần. Đối với trẻ sơ sinh, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng.
Không có bằng chứng khoa học
Đồng quan điểm, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E, Chủ nhiệm khoa Y dược - Đại học quốc gia Hà Nội khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống Covid-19 theo các phương pháp đốt bồ kết ở nhà, bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang…
 
Đặc biệt, GS.TS Lê Ngọc Thành nhấn mạnh, những kinh nghiệm dân gian của ông cha ngày xưa như đốt bồ kết, ăn tỏi, bôi dầu tràm… giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt được virus Covid-19. “Những biện pháp hiện nay chỉ nhằm mục đích dự phòng. Nếu không có nguy cơ nhiễm, phơi nhiễm với người nhiễm, mọi biện pháp chỉ tăng sức đề kháng với Covid-19” - GS Thành nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thông tin, phương pháp đốt bồ kết xông nhà là được người dân hay làm vào mùa đông để chống nghẹt mũi.
Theo chuyên gia phân tích, khói bồ kết giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh. Đồng thời, khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết…
Mùa này thời tiết thường xuyên nồm ẩm, người dân cũng thường xuyên đốt bồ kết để cho thơm nhà. Bởi bồ kết có hương thơm, khi hít thở cảm giác dễ chịu. Ngoài ra, đốt bồ kết còn có tác dụng chống muỗi. “Tuy nhiên, phương pháp đốt bồ kết xông nhà không diệt được virus Covid-19 như nhiều người đang nhầm tưởng”- PGS.TS Thịnh lưu ý.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn trong việc phòng và tránh dịch virus Covid-19, không nên tin tưởng và làm theo những điều được chia sẻ trên mạng xã hội mà chưa có cơ sở chắc chắn.
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa dịch virus Covid-19, người dân nên áp dụng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện khoa học. Tăng cường tiêu thụ rau xanh, trứng, cá, các loại quả giàu vitamin C, thực phẩm giàu protein và uống nhiều nước mỗi ngày; ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng giờ, tập luyện khoảng 1 giờ/ngày; vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần