Xu hướng đầu tư căn hộ du lịch sẽ sớm thoái trào?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản phẩm căn hộ, biệt thự du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề liên quan đến pháp lý, từ đầu năm đến nay còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo nhận định, trước tình trạng này trong thời gian tới sản phẩm căn hộ du lịch sẽ thoái trào, chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp sẽ tìm đến những sản phẩm đầu tư có tính an toàn hơn.

Siết chặt pháp lý
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ký ban hành văn bản 4088/UBND-ĐT yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp du lịch. Cơ quan có thẩm quyền, gồm: UBND các quận, huyện, Thị xã; Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở Du lịch  thực hiện việc chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; rà soát những dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư đối với dự án có chức năng văn phòng kết hợp lưu trú, dự án đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch); kiểm soát chặt chẽ những dự án đề xuất chuyển đổi chức năng không phải nhà ở thành nhà ở trên địa bàn TP, cũng như chức năng sử dụng đất, khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt đồ án quy hoạch, giải quyết thủ tục về quy hoạch, kiến trúc của những dự án đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.
Căn hộ du lịch sẽ thoái trào trong thời gian tới.
Đồng thời kiểm soát, quản lý công trình xây dựng, công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, hoạt động xây dựng của các chủ đầu tư bảo đảm chức năng sử dụng công trình, chỉ tiêu khác phù hợp quy hoạch được duyệt; phát hiện, ngăn chặn và đề xuất xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Sở Du lịch được giao chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh loại hình công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, kịp thời ngăn chặn, xử lý hoạt động kinh doanh bất thường, trái quy định.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thời gian qua, với việc cả chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp đổ tiền vào phân khúc căn hộ du lịch đã khiến cho sản phẩm này hiện đang dư thừa nguồn cung. Trong khi đó sự mập mờ về cam kết lợi nhuận đã khiến cho nhiều nhà đầu tư có thể mất trắng tài sản, nếu phải đi vay tiền ngân hàng.
“Tuy nhiên, việc siết chặt pháp lý là cần thiết, góp phần tạo động lực giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong bài toán tài chính, đồng thời cơ cấu lại các sản phẩm sao cho phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường, loại bỏ các chủ đầu tư làm ăn chụp giật” - ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Căn hộ du lịch thoái trào?
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 83.000 căn hộ du lịch, 28.100 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse… tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn (Bình Định), Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh…
Ngoài ra, có khoảng 16.523 căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú  tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm căn hộ du lịch vẫn còn nhiều tiềm năng, nhưng để phát triển một cách bền vững thì cần thanh lọc thị trường, những dự án có chủ đầu tư uy tín, đơn vị vận hành chuyên nghiệp cần được ưu tiên phát triển, còn những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cần rà soát lại.
Theo Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Nguyễn Hữu Diệp, thời gian vừa qua, sau sự đổ vỡ tạm thời và sự “nhùng nhằng” về pháp lý của sản phẩm nghỉ dưỡng biển, người dân và nhà đầu tư càng đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp lý và tính hiệu quả của các dự án nghỉ dưỡng nói chung. Mặc dù Covid-19 đang hoành hành và làm cho nền kinh tế bị chậm, nhưng trên thị trường lại đang hình thành một xu thế quay trở lại với những sản phẩm có giá trị thực, mang tính chất trú ẩn an toàn.
Nghĩa là chưa cần biết có thể sinh lời hay không, mà cần phải cho họ một không gian có thể sống, sinh hoạt để phục vụ bản thân họ trước, nên nếu có đầu tư mà dòng tiền chưa về, lãi vốn chưa gia tăng được, nhưng mà ở được thì sẽ là kênh trú ẩn an toàn cao cho nhà đầu tư trong thời kỳ suy thoái này.
“Trong khoảng 5 năm qua, BĐS nghỉ dưỡng biển phát triển mạnh mẽ với sản phẩm căn hộ du lịch. Nhưng với những vướng mắc về pháp lý và sự đổ vỡ của Cocobay Đà Nẵng thì BĐS nghỉ dưỡng biển sẽ thoái trào trong thời gian tới, thay vào đó là những sản phẩm nghỉ dưỡng vùng núi và ven đô.
Ngoài ra, đối với khách hàng họ đã quen với việc đi du lịch biển, nên giờ đây muốn tìm đến một sản phẩm dịch vụ khác để có thể trải nghiệm và hưởng thụ những tiện ích mới” - ông Nguyễn Hữu Diệp nhận định.