[Xu hướng] Làm việc tại nhà - xu hướng của tương lai?

Khánh Giao
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những thay đổi lớn nhất của hàng trăm triệu người lao động trên toàn thế giới những ngày dịch bệnh Covid - 19 là sự gia tăng rất lớn số người làm việc tại nhà. Bao nhiêu trong số họ sẽ tiếp tục làm ở nhà thay vì đến công sở, công ty, nhà máy... khi cuộc khủng hoảng Covid - 19 dần nhạt nhòa và biến mất?

Một cuộc khảo sát đầu tháng 4/2020 của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT) với 25.000 người đi làm cho thấy 34% những người vừa được tuyển dụng khoảng 1 tháng trước hiện đang làm việc tại nhà. Kết hợp với khoảng 15% những người đã làm việc tại nhà khi có lệnh giãn cách xã hội vì Covid - 19 trước đó, có nghĩa là gần một nửa lực lượng lao động tại nước Mỹ hiện có thể là “công nhân từ xa”.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Brookings cũng đã đăng tải một bài viết về công việc từ xa và Covid-19, trong đó họ gọi đại dịch là một trong những điều khác, một thử nghiệm lớn trong làm việc từ xa - telecommuting.
Linh hoạt và những khoảng lặng
Rất nhiều nhà tuyển dụng có tư duy cầu tiến đã thực hiện các bước bổ sung để giúp nhân viên của họ làm việc từ xa trong và sau đại dịch bởi “công việc luôn luôn thay đổi, đổi mới”.
Làm việc từ xa được hiểu đơn giản là bạn ở nhà, làm việc và liên hệ với cấp trên, đồng nghiệp và đối tác… thông qua chiếc máy tính có các ứng dụng viễn thông. Chúng ta hiện có rất nhiều tranh luận xung quanh xu hướng telecommuting như giảm bớt những căng thẳng trong công việc, giải thoát khỏi cảm giác bị trói buộc, tiết kiệm thời gian và có môi trường làm việc dễ chịu. Làm việc tại nhà có thể giúp tăng năng suất của nhân viên, cải thiện cân bằng công việc/cuộc sống và thúc đẩy sức khỏe tinh thần tốt hơn.
 Làm việc tại nhà ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh mới hiện nay. Ảnh: Công Hùng
Chị Hân T. (38 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ở nhà, yên tĩnh, ít bị các cuộc họp đột xuất làm gián đoạn nên chị có thể viết các kế hoạch nhanh hơn và hiệu quả hơn ngồi ở công ty và ở nhà nhiều không gian yên tĩnh để thư giãn hơn ở công ty.
Hơn thế nữa, nhân viên làm việc tại nhà có thể giúp các nhà quản lý tiết kiệm một khoảng chi phí đáng kể như điện, nước, mặt bằng, khấu hao trang thiết bị. Thêm vào đó, việc di chuyển đi lại ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém do đường xá chật chội, tắc đường, tìm chỗ gửi xe, ô nhiễm, thời tiết cực đoan, bệnh dịch…, chưa kể giảm mức độ gây ô nhiễm từ các phương tiện giao thông khi dân công sở đổ ra đường đi làm, cho nên ngày càng có nhiều người thích làm việc ở nhà một hoặc nhiều ngày trong tuần.
Thiếu động lực làm việc
Thế nhưng cũng có không ít người cần đến sự nhộn nhip, sinh động và bận rộn của môi trường công sở như một động lực thúc đẩy bản thân làm tốt công việc được giao nên họ sẽ khó thích hợp khi làm việc một mình ở nhà.
Trên điện thoại di động của anh Lâm N. H. (45 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cài đủ các loại ứng dụng trao đổi, liên lạc. Cũng làm việc tại nhà sau khi Chính phủ hủy bỏ lệnh giãn cách xã hội, anh N.H lại cho rằng, ở nhà tạo cảm giác lười biếng. Nhiều ngày, anh không ra khỏi nhà, ăn mặc lè phè, cứ có cảm giác cuối tuần nên không muốn làm việc.
“Hơn thế nữa, nghề của tôi chuyên về marketing nên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tôi có thể nhận biết được những cảm xúc, thay đổi thái độ, nét mặt, theo đó điều chỉnh cách trình bày, hoặc giải thích. Trao đổi qua điện thoại, hay các ứng dụng liên lạc, gọi video… đều khá bất tiện nếu trong thời gian đó có người hàng xóm cãi vã, sửa chữa nhà cửa, nhà không được cách âm tốt” - anh Lâm N. H. chia sẻ.
Và, đừng quên rằng làm việc tại nhà là một dấu hiệu đặc quyền, chủ yếu dành cho tầng lớp tạm gọi là những lao động tri thức với các công việc chủ yếu dựa trên máy tính hay laptop và các thiết bị thông minh. Hàng triệu người lao động khác - nhân viên bán hàng tạp hóa đến bác sĩ - không có sự xa xỉ đó. Và nhiều công nhân lớn tuổi sống ở vùng nông thôn, nơi internet luôn chập chờn, lúc có lúc không cũng có thể khiến công việc từ xa trở nên khó khăn hoặc không thể.
Khó quản lý và dễ trục trặc mạng
Đây cũng là một thử thách rất lớn đối với kỹ năng quản lý các DN. Vốn đã không dễ dàng gì để đánh giá năng suất lao động khi làm việc tại văn phòng, nên mới phải có ứng dụng check vân tay, báo cáo tuần, tiến độ công việc… Giờ đây, làm việc tại nhà lại càng là một sự bổ sung một cách phức tạp cho việc giám sát. Và không phải nhà quản lý nào cũng được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho việc quản lý nhân viên và hiệu quả công việc khi làm việc từ xa.
Chưa kể, khi hạ tầng cơ sở viễn thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, đường truyền cực chậm, băng thông bị “bóp hẹp”, nhiều lỗi nhiễu khiến các kết nối qua mạng bị đứt đoạn. Điều đó “bào mòn” cảm hứng làm việc, nhân viên cảm thấy buồn phiền dẫn đến kém năng suất, lãng phí thời gian thậm chí còn tốn chi phí một cách vô ích mặc dù đã dốc toàn tâm toàn lực vào công việc chung của công ty. “Mạng chậm như rùa” cũng là lý do dễ dàng nhất cho phép bản thân trễ nải công việc, chậm tiến độ báo cáo.
Tuy nhiên, với các công việc tại nhà, nhà quản lý có thể chỉ cần nhìn nhận hiệu quả công việc, năng suất lao động ở phần đầu ra của từng người. Khen thưởng khi nhân viên của bạn làm sớm hơn thời hạn, và hãy tìm hiểu xem vì sao nhân viên khác lại chậm trễ deadline trước khi đánh giá năng lực làm việc của họ.
“Tự kiểm dịch” công việc khi làm tại nhà đã đặt chúng ta, người lao động ở tầm mức cao hơn, chủ động và linh hoạt hơn. Nhưng bạn cũng phải nhớ rằng, những người hiện đang làm việc từ xa, làm việc tại nhà, là điều bắt buộc không thể không làm như vậy, có thể không phải do yêu thích mà bạn đang ở nhà trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đại dịch Covid - 19, và vẫn đang cố gắng làm việc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia làm việc từ xa, cho biết tương lai của phương cách công việc đã đến. Patricia Strach - Giám đốc Điều hành tạm thời tại Viện Rockefeller (Mỹ) mới đây cho biết, kinh nghiệm làm việc tại nhà bắt buộc này cho chúng ta thấy rằng sắp xếp làm việc tại nhà là một chiến lược khả thi đối với nhiều DN và điều này có thể đúng ngay cả sau khi khủng hoảng của Covid - 19 đã qua.
Công việc từ xa cũng có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, giúp các công ty vẫn đạt được năng suất và hiệu quả công việc, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như của gia đình và cộng đồng. Sự bùng phát của Covid-19 đã khiến nhiều nhà tuyển dụng chuyển sang mô hình làm việc từ xa hay làm việc tại nhà cho tất cả nhân viên nhằm nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus Corona chủng mới.