Xu hướng ngân hàng năm 2018: Đẩy dòng vốn thực vào nền kinh tế

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018 là năm đặc biệt của ngành ngân hàng, khi triển khai Nghịquyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Với việc tăng cường thanh tra, giám sát đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra...
Xử lý nợ xấu và giảm sở hữu chéo

Năm 2017, chính sách tiền tệ đã đạt được một số kết quả tích cực, NHNN tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, thị trường tiền tệ ổn định, mở rộng tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng điểm, lợi nhuận ngân hàng cải thiện… Đánh giá mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), chất lượng tài sản hệ thống TCTD đã được cải thiện. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016.

Giao dịch tại chi nhánh NCB Hà Nội.  Ảnh: Phạm Hùng

Theo NHNN, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, đến nay xử lý nợ xấu đạt được khoảng gần 16.000 tỷ đồng. Đây là con số khá tích cực, qua đó giúp tổng số nợ xấu của toàn hệ thống 2017 đã được xử lý hơn 78.000 tỷ đồng. Riêng Công ty Quản lý tài sản VAMC năm 2017 dự kiến xử lý nợ xấu được khoảng 20.000 tỷ đồng. Để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, vấn đề cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản, hai bên tiếp tục tranh cãi thì tòa sẽ áp dụng thủ tục tại tòa án; hay như việc cho phép thành lập thị trường mua bán nợ với tất cả mọi thành phần có thể tham gia, cho phép các ngân hàng bán nợ dưới giá sổ sách… là những biện pháp cần thiết.

Cũng giống như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt ngăn chặn sở hữu chéo là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có hiệu lực từ 15/1/2018 nhằm đẩy dòng vốn thực vào nền kinh tế. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với DN giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Thực tế, những ngày cuối năm 2017, thị trường chứng kiến một số lãnh đạo tuyên bố từ bỏ chức vụ đứng đầu DN để chuyên tâm điều hành ngân hàng, như BacABank, TPBank… Khi giảm thiểu các quan hệ tín dụng thân hữu, đồng vốn mới thực sự chảy vào các khu vực cần vốn của nền kinh tế và có thể tạo ra giá trị thật.

Tăng vốn tự có

Ngày làm việc cuối cùng của năm 2017, NHNN đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Theo đó, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%. Đồng thời sửa đổi, bổ sung cấu phần và cách xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR): cấu phần vốn tự có, hệ số rủi ro của một số tài khoản phải đòi…

Theo thống kê của NFSC, nếu cuối năm 2016, hệ số CAR của toàn hệ thống đạt hơn 12% thì hiện chỉ còn 11%. Trong đó, khối NHTM Nhà nước thấp nhất, xoay quanh 9%, chạm mức tối thiểu. Tín dụng tăng nhanh (18 - 19%), trong khi vốn chủ sở hữu không tăng kịp là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này. Chưa kể, nếu theo chuẩn của Hiệp ước Basel II, thì hệ số CAR của nhiều ngân hàng đã ở dưới mức 8%, tức là cần phải cải thiện mạnh. “Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với hiện tại” - NFSC chỉ ra. Trước áp lực như vậy, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tăng vốn sẽ là hoạt động trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2018.

Đẩy mạnh bán lẻ, phát triển ngân hàng số

Đối với việc phát triển dịch vụ ngân hàng, theo Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của Thủ tướng Chính phủ xác định đến năm 2020 các TCTD tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng, 70% dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng... Bản thân các ngân hàng những năm qua đã chuyển trọng tâm tăng trưởng sang bán lẻ và bước đầu thu được hiệu quả lớn.

Dịch vụ bán lẻ sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của năm 2018. Song song với đó, để thúc đẩy mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, NHNN sẽ ban hành nhiều chính sách khuyến khích thanh toán điện tử. Đây là điều kiện thuận lợi để các NHTM tích cực cho ra mắt các sản phẩm dịch vụ mới ứng dụng công nghệ trên thiết bị thông minh. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các Fintech để tận dụng điểm mạnh công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Công nghệ số đang thay đổi, lĩnh vực ngân hàng số sẽ tiến xa hơn nữa trong năm 2018. Tuy vậy, sự dịch chuyển sang hoạt động ngân hàng mở cũng đi kèm theo những lo ngại về nguy cơ vi phạm bảo mật. Các ngân hàng vì thế sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc chứng tỏ rằng họ quản lý thông tin khách hàng một cách an toàn, xây dựng các quy trình bảo mật cho các hệ thống mới.

Năm 2018, NHNN sẽ hỗ trợ tối đa các TCTD; thực hiện giải pháp nâng cao năng lực tài chính, cùng với đó điều tiết thanh khoản, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hoạt động kinh doanh để phấn đấu giảm lãi suất kinh doanh thời gian tới, giúp DN tiết giảm chi phí... Xử lý được nợ xấu, chi phí tài chính sẽ giảm, chắc chắn lãi suất cũng giảm theo và tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD sẽ tăng.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng