Hà Nội: Xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”: Phải triệt tiêu từ gốc

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, liên quan đến việc xử lý dạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vấn đề này được UBND TP, HĐND TP và đặc biệt là Thường trực Thành ủy quan tâm trong nhiều năm qua.

Theo giới chuyên gia, triệt tiêu nhà “siêu mỏng, siêu méo” từ bản vẽ quy hoạch sẽ khả thi hơn. Phòng ngừa ngăn chặn ngay từ đầu bao giờ cũng tối ưu so với việc để sự việc xảy ra rồi mới tìm cách đối phó.

Vẫn thiên về “trông giữ” sau giải phóng mặt bằng

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước thời điểm 2015, toàn TP có trên 300 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo". Sau khi được xử lý, tính đến đầu tháng 6/2017, các dạng nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng tồn đọng cũ chỉ còn 132 trường hợp. Đây là các trường hợp đất còn lại nằm ngoài chỉ giới GPMB thực hiện xây dựng 8 tuyến phố, tuyến đường trục chính của TP từ nhiều năm trước khi có Quyết định 39/QĐ-TTG ngày 15/3/2005. Hầu hết các chủ sử dụng đã sinh sống ổn định, khó giải quyết dứt điểm. Riêng diện phát sinh mới tại 10 quận: Tây Hồ, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Long Biên đến nay đã xử lý 147/203 trường hợp (chiếm 72,41%).

Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Tố Hữu. Ảnh:  Quỳnh Anh

Thực tế cho thấy, dạng công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũ - mới vẫn vô cùng nhức nhối. Đặc biệt, tại các dự án đường Vành đai II (đoạn đường Nhật Tân - Xuân La - Bưởi), đường Thanh Nhàn vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng… Chỉ tính riêng đoạn đường Trần Phú - Kim Mã của quận Ba Đình và Xuân La của quận Tây Hồ đã có gần 10 nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Trên đường Nguyễn Văn Huyên, đường Thanh Nhàn cũng xuất hiện những ngôi nhà tương tự.

Lý giải về nguyên nhân, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, do việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường nên vẫn phát sinh trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Phạm vi lập quy hoạch (tối thiểu 50m mỗi bên) dù được tuân thủ trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, song đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện việc thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường vì rất khó khăn về công tác GPMB và bố trí nguồn kinh phí của dự án (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách). Các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông đều chưa xem xét đến việc bố trí nguồn vốn cho GPMB ngoài phạm vi mở đường trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Về vấn đề này, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân khẳng định, việc GPMB các tuyến đường đã khó khăn, nhưng giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn vất vả hơn, nếu không có biện pháp ngăn chặn từ đầu. Trong khi các lãnh đạo chính quyền sở tại chưa quyết liệt, thiếu chủ động trong việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” có tư tưởng trông chờ, coi đó là trách nhiệm của TP. Bên cạnh đó, Sở QH - KT Hà Nội cũng cần nhanh chóng hơn trong việc tham mưu cho TP quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường.

Xử lý ngay trên bản vẽ

GS.TS Đặng Hùng Võ bình luận: “Chúng ta đang vận hành quy trình ngược: Chống hơn phòng. Một khi còn chạy theo giải quyết từng trường hợp thì khó có thể nắm bắt chứ đừng nói tới kiểm soát chúng. Nhất là khi nhà “siêu mỏng” đã thành hình, người dân ổn định sinh sống. Mấu chốt quan trọng là cách làm, “cầm đằng chuôi” ngay từ khâu đầu tiên”.

Đồng quan điểm, theo TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ý nghĩa lớn nhất là phải ngăn ngừa không để phát sinh mới nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở những dự án về sau. Để triệt tiêu nhà “siêu mỏng, siêu méo”, việc nghiên cứu quy hoạch 2 bên đường phải có trước khi mở đường. Trong quá trình lập dự án, phát hiện những thửa đất có nguy cơ thành “siêu mỏng, siêu méo” thì thu hồi luôn, sau đó sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ cảnh quan đô thị. Tránh tình trạng từ đất trống chỉ cần đặt viên gạch lên là rất khó trong xử lý. Tuy nhiên, đối với công trình đã tồn tại “án binh bất động” nhiều năm cần có hướng giải quyết dứt điểm chứ đừng loanh quanh phần “ngọn”.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số quận chia sẻ, trong quá trình vận động hợp thửa, nhiều hộ dân có nguyện vọng được hợp thửa, cải tạo chỉnh trang để tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, khi đăng ký hợp thửa theo mẫu đơn được phát, việc thỏa thuận khó thực hiện do vướng mắc về giá. Sau 3 tháng, UBND phường và quận sở tại sẽ thu hồi đất nếu 2 bên chưa thương lượng được. Tuy nhiên, cũng gặp khó bởi chi phí bồi thường rất lớn, trong khi phần đất thu hồi rất khó tái sử dụng.

“Theo tôi, phải quan tâm đến lợi ích của chủ sở hữu các thửa đất có diện tích dưới 20m2. Chẳng hạn như ô đất đằng trước cỡ 20m2, đằng sau 200m2, khi hợp khối thành 220m2 ra mặt đường phải định lại giá cả. Trước đây, đất còn nằm trong ngõ chỉ bán được 50 triệu đồng/m2, bây giờ hợp khối ra mặt tiền bán được 100 triệu đồng/m2 thì phải trả cho chủ nhân ô đất 20m2 theo đúng giá đó, thậm chí tỷ lệ có thể cao hơn một chút mới đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích. Riêng đối với những dự án mới, phải thu hồi ngay trên bản vẽ quy hoạch những thửa đất có “nguy cơ” phát sinh “mỏng, méo” - ông Phạm Sỹ Liêm kiến nghị.

Lãnh đạo UBND TP cho biết, đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp xử lý xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” Thứ nhất, khắc phục các nhà “siêu mỏng, siêu méo” đã tồn tại trước tháng 12/2016. Theo đó, những nhà diện tích dưới 15m2 sau GPMB, TP kiên quyết thu hồi hoặc khuyến khích cho các chủ hộ giáp ranh hợp khối. Thứ hai, với những công trình xây dựng giao thông mới, khi quy hoạch, phê duyệt dự án, TP giao Sở TN&MT, các Ban quản lý dự án trong quá trình khảo sát các ô, thửa đất của người dân xác định luôn ô đất nào dưới 15m2 để ra quyết định thu hồi phục vụ trồng cây xanh, lát vỉa hè. Thứ ba, với những trường hợp ô đất dưới 15m2 nhưng tự người dân thỏa thuận được với nhau sẽ được tạo điều kiện hợp thửa, hợp khối.

Về nguyên tắc khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, cần tính đến các vấn đề có thể phát sinh nhà "siêu mỏng, siêu méo" ngay từ khâu quy hoạch. Theo đó, mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch; áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai. Đồng thời, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ; phát triển dự án bất động sản 2 bên đường mới mở... Dù vậy, quy trình thực tế vẫn là GPMB xong, UBND phường, quận chạy theo "trông giữ", hoặc đi theo giải quyết từng thửa đất không đủ điều kiện xây dựng công trình.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội

Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần