Xử lý công trình sai phạm 8B Lê Trực: Thượng tôn pháp luật

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện xử lý sai phạm tại dự án số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) lại “hâm nóng” dư luận những ngày gần đây khi thực hiện tháo dỡ giai đoạn 2. Nhiều ý kiến trái chiều về việc áp dụng chế tài phạt tiền hay tháo dỡ…

 Công trình xây dựng 8B Lê Trực. Ảnh: Duy Khánh

Kiên quyết xử lý
Ngày 7/5 vừa qua, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã cùng các lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ phần xây dựng sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở số 8B Lê Trực do Công ty CP May Lê Trực làm chủ đầu tư. Để thực hiện việc này, chính quyền đã phải cưỡng chế do chủ đầu tư chưa thực sự hợp tác.
Tại buổi làm việc với đại diện chính quyền sau đó ít ngày, đơn vị này một mực khẳng định chưa được biết hồ sơ phương án, giải pháp tháo dỡ phần vi phạm thuộc tầng 18 của dự án. Tiếp đó, chủ đầu tư lại kiến nghị được tự thực hiện tháo dỡ giai đoạn 2 nhưng không được chính quyền chấp thuận.
Nếu như pháp luật có trường hợp ngoại lệ sẽ làm mất đi tính răn đe và sự nghiêm minh, tạo thành tiền lệ xấu về sau này. Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý mạnh tay và cần thiết phải xử lý nghiêm những công trình như vậy để tránh những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Luật sư Trần Cao Ngãi – Hội Luật gia Việt Nam
Để rộng đường dư luận, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Chánh Văn phòng UBND quận Ba Đình Lương Xuân Dương về những nội dung này. Ông Dương cho biết, đối với việc thông tin đến chủ đầu tư về phương án, giải pháp tháo dỡ đã được Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 2966/SXD-QLXD ngày 17/4/2020 và UBND quận Ba Đình phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-UBND ngày 23/4/2020. UBND quận giao UBND phường Điện Biên (địa bàn công trình đang đứng chân – PV) niêm yết công khai tại hiện trường sai phạm.
Đối với ý kiến chủ đầu tư đề nghị được phép tự tháo dỡ, phá dỡ giai đoạn 2 theo phương án Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng lập, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Văn bản số 1774/SXD-QLXD ngày 4/3/2019 nêu rõ: Thiết kế phương án còn sơ sài, chưa rõ phương án gia cố cột, phương án gia cố móng cho các cột dự kiến bổ sung; Khái toán chi phí chưa phù hợp và chưa thực hiện theo các quy định của Nhà nước…
“Cũng tại Văn bản số 1774, Sở Xây dựng đã hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh phương án, thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra thiết kế dự án và phê duyệt phương án để thực hiện. Nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nên chưa đủ điều kiện để tự thi công tháo dỡ. Vì vậy, quận Ba Đình đã tổ chức tháo dỡ phần sai phạm theo đúng chỉ đạo của UBND TP và phương án tháo dỡ đã được Sở Xây dựng chấp thuận” – ông Dương cho hay.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho rằng các căn hộ tầng 18 đã thuộc quyền sở hữu của người dân. Về vấn đề này, ông Lương Xuân Dương cho biết, các căn hộ tầng 18 hình thành từ hành vi vi phạm pháp luật nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất, bồi thường cho người mua nhà (nếu có).
Tránh lặp lại vết xe đổ
Sau khi chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 của công trình, có ý kiến cho rằng, nếu làm như vậy phải phá bỏ cả tòa nhà, vì tại nóc tầng 18 dự án, theo thiết kế có dầm treo cao 1,8m vượt nhịp 17m để treo hai cột công trình ở mặt đường Trần Phú. Thiết kế này khiến việc phá vỡ dầm, sàn, cột vách từ tầng 18 tới cao độ + 55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 sẽ ảnh hưởng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá mất dầm treo trên nóc tầng 18) và phải gia cố kết cấu trước khi phá dỡ.
Về vấn đề này, KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam cho biết, thiết kế xây dựng một tòa nhà cao tầng sẽ có sự liên quan đến nhau về kết cấu, khi thực hiện tháo dỡ sẽ gây ra hiện tượng “om, phá bê tông” sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công trình. “Nhưng các công trình bê tông cốt thép đều được thiết kế chịu lực độc lập từng tầng, phải làm từ tầng 1 lên tầng 2, 3… chứ đâu có phải làm từ tầng 18 trở xuống. Nên nói là việc tháo dỡ tầng 18 mà làm hỏng cả tòa nhà là không đúng, trừ kiểu công trình kết cấu dạng thép như tòa tháp đôi tại Mỹ mới có sự ảnh hưởng như vậy” – ông Hiếu cho hay.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, việc phải tháo dỡ một công trình lớn như vậy là điều vô cùng “đau xót”, tốn kém tài chính của Nhà nước, người dân thì hoang mang, lo lắng… nhưng vấn đề thượng tôn pháp luật vẫn phải được đặt lên hàng đầu. “Sai phạm của công trình này đã bị dư luận phản ánh và đích thân Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo xử lý. Vì vậy cần phải làm đúng theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện chế tài tháo dỡ, tránh cho các DN khác đi vào vết xe đổ này. Rất hoan nghênh chính quyền đã thực hiện nghiêm để thượng tôn pháp luật được bảo vệ” – ông Ánh nhìn nhận.