Xử lý công trình vi phạm xây dựng: Sung công nếu chủ đầu tư không tuân thủ

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, như tự ý thay đổi thiết kế, nâng chiều cao, công năng sử dụng... của công trình, đang trở thành vấn đề nhức nhối.

 KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, cần phải có những chế tài mạnh hơn đối với những chủ đầu tư có công trình sai phạm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra với chiều hướng phức tạp, nhất là các dự án nhà ở cao tầng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Việc xây dựng nhà, công trình sai phép, trái phép (hay nói cách khách là vi phạm trật tự xây dựng) thì bản chất của nó là một hoạt động kinh tế. Người đầu tư bất động sản đưa ra một sản phẩm mà không được phép theo quy định hoặc theo giấy phép xây dựng, vượt qua khả năng cung cấp của xã hội về hạ tầng để thu lợi, đây có thể xem là nguồn lợi bất chính.
Nhiều chủ đầu tư đã bất chấp những quy định của pháp luật, đều xuất phát từ động cơ lợi ích kinh tế. Họ xây dựng thêm tầng để có thêm diện tích sử dụng, phần diện tích đó đối với các dự án thì sẽ đem bán cho người dân. Còn đối với các công trình dân dụng thêm tầng để có thêm diện tích sử dụng, còn phần diện tích mặt tiền có thể dùng cho các mục đích khác, như kinh doanh, cho thuê...
Tại các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đất chật, dân cư đông, giá đất leo thang liên tục, việc sử dụng theo không gian chiều rộng là không khả thi. Vì vậy, không những người dân mà cả DN bất động sản cũng đang hướng đến chiếm dụng không gian chiều cao, trong khi đó luật liên quan đến quy hoạch - kiến trúc có quy định chặt chẽ về chiều cao các công trình tại các khu vực cụ thể. Đối với các khu vực trung tâm, nơi đất đai có giá trị cao, thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ thì ở đó có mức độ vi phạm trật tự xây dựng về thiết kế, cũng như chiều cao công trình thường là nhiều nhất.
Việc xử lý vi phạm trật tự trong thời gian gần đây diễn ra quyết liệt, số lượng công trình vi phạm đã có chiều hướng giảm. Nhưng thực tế việc xử lý nhiều công trình, đặc biệt với các dự án lớn vẫn còn gặp khó khăn?
Phá dỡ công trình sai phạm bằng biện pháp khoan thủ công tại số 58 Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành
- Hiện nay, đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đang tập trung vào hai biện pháp xử lý, đó là: Xử phạt hành chính để được tồn tại và tiêu cực hơn đó là xử lý bằng hình thức phá dỡ.
Nhưng theo tôi, phương án phá dỡ chỉ hiệu quả khi công trình đang thi công; còn khi nó đã trở thành một sản phẩm của xã hội rồi thì lại có một giao dịch khác. Không chỉ đơn giản là phá dỡ, lúc này nó đã trở thành tài sản của người dân, vì nó đã được chủ đầu tư bán cho người dân và người dân phải mất tiền để mua lại sản phẩm đó để sử dụng.

Đối với trường hợp này nên xử lý như thế nào, thưa ông?
- Đối với trường hợp các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã trở thành tài sản, đặc biệt là các công trình không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan... việc phá dỡ là không dễ dàng, không thể nói “đập” là “đập” ngay được.
Theo tôi, biện pháp xử lý trường hợp này nên áp dụng hình thức Nhà nước thu hồi toàn bộ tài sản đó lại bằng giá trị tiền mặt. Ví dụ, phần xây dựng sai phạm chủ đầu tư bán với giá 2 tỷ đồng thì Nhà nước thu hồi đủ 2 tỷ đồng, cùng với tiền phạt vi phạm hành chính.
Vấn đề này tương đối phức tạp, nếu các công trình sai phạm mà không được xử lý ngay từ lúc thi công, khi đã trở thành sản phẩm để bán cho người dân thì nó thuộc quyền sở hữu của người dân và người dân không có lỗi gì trong cái sai phạm này của chủ đầu tư, vô hình chung họ chỉ là những nạn nhân. Nếu đập đi, người dân sẽ là những người bị chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Việc để có một công trình sai phạm tồn tại đến khi trở thành tài sản cá nhân thì đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan buông lỏng quản lý phải chịu trách nhiệm xử lý sao cho phù hợp với lợi ích của người dân; đồng thời các cá nhân, DN cố tình “luồn lách” để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác bằng các chế tài tài chính hoặc tịch thu sản phẩm.
Nhưng thưa ông, có những công trình cao tầng vẫn buộc phải cắt bỏ phần vi phạm?
- Công nghệ cắt dỡ các công trình xây dựng hiện nay trên thế giới đã được cải tiến rất nhiều và cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Nhưng khi thực hiện cần phải xác minh cụ thể kết cấu của công trình và cần đưa ra những yêu cầu của công trình. Nếu buộc phải dùng công nghệ để phá dỡ cũng nên thực hiện một cách công khai thông qua biện pháp mời thầu, nếu các đơn vị trong nước không đáp ứng được thì mời các đơn vị quốc tế. Những quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... có những công ty lớn chuyên mảng phá dỡ công trình.
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay có rất nhiều phương án để giải quyết và cũng không nên để cho sự độc quyền tham gia vào công tác này, mà cần phải có sự tham gia từ các đơn vị quốc tế, để tránh tình trạng làm cho có.
Theo ông, để xử lý tận gốc tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cần giải pháp thế nào?
- Như đã nói, đầu tiên đó là Nhà nước thu hồi tài sản vi phạm bằng giá trị tiền mặt từ chủ đầu tư cùng với tiền phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư không tuân theo, Nhà nước sẽ tịch thu toàn bộ phần sai phạm đó để xung công phục vụ mục đích công cộng và chủ đầu tư phải có trách nhiệm đền bù lại toàn bộ số tiền người dân đã bỏ ra mua sản phẩm.
Còn để xử lý tận gốc tình trạng này, theo tôi trước tiên, cần phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ quản lý, để không xảy ra tình trạng cấp phép xây dựng theo cơ chế xin - cho, tham ô, tham nhũng trong các thủ tục cấp phép... Cơ quan chuyên trách giám sát chặt chẽ việc thực hiện xây dựng công trình theo đúng giấy phép, theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Thứ nữa, cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tập thể nếu để vi phạm và có hình thức kỷ luật phải là cách chức hoặc giáng chức không cho làm công việc đó, chứ không chỉ là kỷ luật theo hình thức kiểm điểm, phê bình là cho qua chuyện.
Vậy cần chế tài như thế nào để làm trong sạch hóa đội ngũ cán bộ quản lý ngay từ đầu vào, thưa ông?
- Lịch sử quản trị đô thị của Hà Nội xưa đã có những chế tài rất mạnh tay. Từ thời điểm Hà Nội bắt đầu đô thị hóa cũng đã xảy ra việc gian trá trong việc giao đất, thu thuế, cấp phép, bỏ thầu... lúc đó Tòa đốc lý của Chính quyền Pháp đô hộ đã thực hiện bãi chức các quan chức, nhưng trên cơ sở công bằng, đúng người đúng tội.
Sau sự việc này họ đã có cơ chế rất chặt chẽ trong việc tuyển dụng cán bộ trong các cơ quan công quyền. Theo đó, để được vào làm việc, các cán bộ phải được sự tín nhiệm, bảo lãnh của lãnh đạo có uy tín tại cơ quan đó, đồng thời mỗi người vào làm việc phải nộp 50 lượng vàng để làm cam kết sẽ làm việc nghiêm túc. Khi anh vi phạm thì toàn bộ số tài sản cam kết đó sẽ bị tịch thu luôn và người bảo lãnh cũng chịu trách nhiệm liên đới, bộ máy làm việc sẽ đảm bảo không có sự tham ô, tham nhũng.
Vì vậy, trong suốt vài chục năm việc quản trị đô thị về đất đai, xây dựng, giao thông - công chính, đấu thầu, thi công của chính quyền không còn xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng.

Hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi cách làm này để áp vào quá trình vận hành của bộ máy công quyền. Có như vậy mới hạn chế được trình trạng vận hành công việc theo cơ chế xin - cho.
Xin cảm ơn ông!

Phương án phá dỡ chỉ hiệu quả khi công trình đang thi công; còn khi nó đã trở thành một sản phẩm của xã hội rồi thì lại có một giao dịch khác. Không chỉ đơn giản là phá dỡ, lúc này nó đã trở thành tài sản của người dân, vì nó đã được chủ đầu tư bán cho người dân và người dân phải mất tiền để mua lại sản phẩm đó để sử dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần