Xử lý công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè: Không thể làm nửa vời

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương dành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong những ngày qua, hàng loạt công trình lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội đã bị các lực lượng chức năng xử lý.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công trình, dự án biến vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu, quây tôn lấn chiếm lối của người đi bộ.
Thách thức dư luận
Khảo sát thực tế tại các quận như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có rất nhiều con phố đang tồn tại những công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè. Tại các tuyến phố Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Hoàng, Trần Quốc Vượng, Trung Kính, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cảnh Dị… nhiều đoạn vỉa hè gần như biến mất, thay vào đó là những đống cát sỏi, sắt thép, phế thải xây dựng, hàng rào tôn, đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Đáng chú ý, vi phạm của những công trình lớn có xu hướng gia tăng. Đơn cử, tại dự án Tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại Skypark Residence (phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy). Tại đây, trong quá trình thi công nhà thầu đã dùng tôn quây kín toàn bộ một bên vỉa hè ngõ 3, phố Tôn Thất Thuyết. Thậm chí, vỉa hè phía đối diện con ngõ này cũng bị biến thành nơi tập kết kín vật liệu xây dựng.

Vỉa hè ngõ 2 phố Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm bị cày nát.  Ảnh:  Vũ Cúc

Tương tự, tại ngõ số 2, phố Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm, người dân cũng không thể xác định đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường. Bởi, cả hai bên vỉa hè đã bị cày xới, biến thành bãi chứa phế thải và vật liệu xây dựng của hai công trình FLC Green Home và Bidhomes The Garden Hill...
Theo tìm hiểu, trước tình trạng này, lực lượng chức năng các địa phương đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư khắc phục và hoàn trả nguyên trạng vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, biện pháp xử lý này chưa đủ mạnh nên chủ đầu tư các công trình chỉ khắc phục một cách đối phó.
Vi phạm nối tiếp vi phạm
Theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP, việc sử dụng tạm thời hè phố để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình phải được UBND cấp huyện và Sở GTVT cấp phép. Thời gian sử dụng chỉ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng và phải đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, phải dành lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, tại chân rất nhiều công trình, nhất là những công trình thi công trên diện tích hẹp, các nhà thầu đã lấn hết vỉa hè mà không mảy may nghĩ đến việc chừa lối cho người đi bộ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Trung Kiên - Phó phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy khẳng định, phần lớn các công trình vi phạm là do các đơn vị thi công tự ý quây tôn lấn chiếm vỉa hè chứ không hề xin phép. Ông Nguyễn Huy Cường - Trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Nam Từ Liêm xác nhận tình trạng này cũng diễn ra trên địa bàn quận.
Về hướng xử lý, ông Vũ Trung Kiên cho biết, trên địa bàn quận Cầu Giấy có rất nhiều công trình, dự án lớn nhỏ đang thi công. Lực lượng chức năng các phường, quận đều thường xuyên kiểm tra, xử phạt những công trình vi phạm. Từ đầu tháng 3/2017, quận đã kiểm tra, xử phạt trên 20 trường hợp với số tiền hơn 400 triệu đồng. Dẫu vậy, hiện vẫn còn tồn tại những công trình chưa được xử lý như phóng viên phản ánh, quận tiếp thu và thời gian tới sẽ thành lập đội liên ngành gồm lực lượng Thanh tra GTVT, Thanh tra Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị ra quân xử lý triệt để.
Về phía quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Huy Cường cũng khẳng định trong tuần này sẽ ra quân xử lý dẹp bỏ hết những phần vi phạm trên vỉa hè của các công trình xây dựng dân sinh cũng như dự án lớn.
Trong khi cả TP đang ráo riết dành lại vỉa hè cho người đi bộ, thì việc hàng loạt các công trình, dự án thản nhiên lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ mà không bị xử lý đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Người dân đang quan tâm liệu với lời hứa ra quân mạnh mẽ để xử lý của chính quyền các địa phương lần này liệu có ngăn chặn triệt để các công trình ngang nhiên “ôm” trọn vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.