Xử lý công trình xây dựng "siêu mỏng, siêu méo": Phải chặn từ gốc

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xử lý các công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh khi thực hiện các dự án mở đường theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc, do chưa xây dựng được cơ chế cụ thể, đặc biệt là nguồn kinh phí bồi thường GPMB không được dự toán trong dự án trước đó.

Sớm có cơ chế rõ ràng
Để ngăn chặn và xử lý các trường hợp đất không đủ diện tích theo quy định tối thiểu, UBND TP Hà Nội đã bàn hành nhiều quyết định, chỉ thị để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Gần đây nhất, vào tháng 4/2018, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 1758/2018/UBND-ĐT về xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện các dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng từ trước năm 2005. Các cấp chính quyền cơ sở cũng đã tiến hành rà soát, phân loại công trình nhà ở "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn, song trên thực tế đây vẫn là một vấn đề nan giải.

 Nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành
Xét về quyền sở hữu, luật sư Trần Cao Ngãi – Văn phòng Luật sư Trần Cao cho biết, việc chính quyền thu hồi đất làm dự án chỉ đền bù phần được lấy đi, phần còn lại không được đền bù vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân. Chính quyền không được phép lấy đi nếu như không có sự thỏa thuận đền bù nào khác giữa hai bên, ngoài quyền sở hữu thì người dân vẫn có quyền sinh sống trên mảnh đất đó.

Phía các cơ quan quản lý cũng đưa ra phương án vận động các gia đình tiến hành hợp thửa mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng. Tuy nhiên, việc này cũng khó khả thi, vì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện tài chính để tiến hành hợp thửa hoặc do những gia đình xung quanh đã ổn định, không có nhu cầu mua thêm để hợp khối. “Không chỉ có vậy, nếu cơ quan chức năng gây sức ép, nhiều hộ gia đình sẽ bắt tay nhau lại để thực hiện việc hợp khối giả để tránh bị thu hồi. Nhưng sau khi xin được Giấy phép xây dựng thì lại xây dựng thành hai khối nhà tách biệt nhau hoàn toàn” - luật sư Trần Cao Ngãi nói.

"Trong năm 2019, Sở Xây dựng tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trong gây bức xúc trong xã hội. Giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời xử lý, giải quyết triệt để các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên các tuyến đường mới mở còn tồn tại (siêu mỏng, siêu méo), không để phát sinh công trình xây dựng không đảm bảo kích thước hình học theo quy định khi triển khai những dự án giao thông." - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng

Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho biết, mặc dù việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” là khó khăn, nhưng cũng vẫn phải làm một cách triệt để. Đặc biệt, cần phải xây dựng một chế tài đủ mạnh để cơ quan chức năng dựa vào đó thực hiện. Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận: "Trên địa bàn TP Hà Nội đã tồn tại và đang phát sinh những công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên nhiều tuyến đường. Cần phải ngăn chặn từ gốc tình trạng này. Đó là việc không cấp giấy phép xây dựng cho các công trình trên mảnh đất không đủ điều kiện, sau đó là thực hiện các cơ chế để thu hồi sử dụng cho mục đích khác”.

Nên thu hồi phục vụ vào mục đích công cộng

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/2016/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc lập hồ sơ thu hồi các trường hợp đất không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2, không được khớp nối với các công trình lân cận) để phục vụ mục đích công cộng.

Đồng tình với chủ trương thu hồi những mảnh đất không đủ điều kiện về diện tích và hình dáng, để phục vụ mục đích công cộng. KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đây là việc làm hợp lý và cần được triển khai sớm, việc xuất hiện những mảnh đất thừa có diện tích nhỏ sau khi mở rộng các tuyến đường giao thông không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà các nước phát triển cũng gặp phải tình trạng này. Ở nhiều TP lớn như Tokyo, Seoul, Sigapore... cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhưng chính quyền thay vì cho người dân được tiếp tục xây dựng nhà ở, đã trưng thu lại diện tích đất đó để làm vườn hoa, bảng thông tin...

Để ngăn chặn tình trạng xuất hiện các công trình "siêu mỏng, siêu méo" sau những dự án mở đường trong thời gian tới, công tác quy hoạch cần phải thực hiện một cách chặt chẽ hơn giữa các cấp chính quyền và chủ đầu tư. “Đơn vị quy hoạch và chủ đầu tư cần phải kết hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đất đai, rà soát hiện trạng sử dụng đất sau khi quy hoạch xây dựng, khu đất nào không đủ điều kiện là phải tiến hành thu hồi ngay, tránh để tình trạng khi sự đã rồi thì càng khó xử lý” - KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần