Xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 sáng 4/1, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2017, NHNN tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề như năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro, năng lực tài chính của các ngân hàng trong hệ thống.

Nợ xấu giảm xuống chỉ còn 2,46%
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh Thanh tra NHNN cho biết, năm 2016, NHNN đã tập trung xử lý những vấn đề tồn tại của hệ thống ngân hàng, nhất là xử lý nợ xấu, ổn định thanh khoản. Đặc biệt, NHNN tập trung xử lý 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank và VNCB), DongABank và một ngân hàng cổ phần lớn ở phía Nam, nhất là vấn đề thanh khoản không gây ra sự đổ vỡ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, năm 2017, NHNN tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan hệ thống tổ chức; Năng lực điều hành quản trị rủi ro ngân hàng; Xử lý nợ xấu, sở hữu chéo hướng tới làm gọn và sạch hệ thống ngân hàng để “thông” vốn cho nền kinh tế. “NHNN đã có biện pháp xử lý dần và tiến tới xử lý dứt điểm. Toàn bộ tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém đã được nhận diện. Đối với 5 ngân hàng trên, NHNN đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị để có kết luận chi tiết” - bà Hồng nhấn mạnh.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh GPBank Hà Nội. Ảnh:  Việt Dũng

Cũng theo bà Hồng, NHNN đã xây dựng Đề án tái cấu trúc hệ thống 5 năm, từ 2016 - 2020, tập trung vào các vấn đề chưa xử lý được trong giai đoạn tái cấu trúc trước, đặc biệt xây dựng về thể chế. Đồng thời tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ngay sau khi được Bộ Chính trị phê duyệt.
Tính đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của hệ thống đã giảm xuống còn 2,46%; Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng. Số nợ xấu bán cho VAMC giảm so với năm 2015 do nợ xấu phát sinh năm 2016 nhỏ hơn những năm trước. Đáng chú ý, mới đây, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên sạch nợ tại VAMC, chỉ sau 2 năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước 3 năm so với lộ trình năm 2020 mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương.
Điều hành chủ động, linh hoạt
Cũng tại buổi họp báo, đại diện NHNN cho biết, đến ngày 29/12, tín dụng tăng 18,71%, huy động vốn tăng 18,38%, thanh khoản hệ thống được đảm bảo. NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.
Về tỷ giá, thị trường ngoại tệ và tỷ giá năm 2016 khá ổn định, giúp củng cố lòng tin vào VND với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 2016, VND mất giá 1,1 - 1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường rất ổn định.
Về định hướng năm 2017, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến trên thị trường thế giới và trong nước; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
NHNN cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề phục vụ nhu cầu mua sắm, thanh toán cuối năm. Ngoài việc đảm bảo an toàn hệ thống ATM hoạt động thông suốt, các loại tiền mới in, còn nguyên seri sẽ không được chi trên thị trường, chỉ chi các tiền đã lưu thông. Cụ thể, với lượng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng đủ tiêu chuẩn lưu thông (đã qua sử dụng) đang bảo quản trong kho, NHNN sẽ chuyển sở giao dịch và chi nhánh các tỉnh, TP để đưa vào thị trường.  
Đây là năm thứ 5 liên tiếp NHNN chủ trương không đưa tiền lẻ mới vào lưu thông (kể từ Tết Nguyên đán năm 2013). Với việc không phát hành tiền mới, NHNN tính toán sẽ giảm được chi phí phát hành khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm được từ năm 2013 đến nay là 1.900 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5 - 1% đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm với kỳ hạn ngắn và 9 - 11% với trung và dài hạn. Tín dụng được đẩy mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên. Chương trình cho vay hỗ trợ mua nhà ở đến 31/12 đã giải ngân hết 30.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu đề ra.