Xử lý hình sự người tàng trữ, sử dụng pháo hoa nổ

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận trong thời gian gần đây tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo có diễn biến phức tạp.

Tình trạng này tăng nhanh là do nhu cầu sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán và do một số thanh niên quá khích trong việc ăn mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt thành tích cao tại giải AFF Cup 2018.

Đơn cử, ngày 6/12, Tổ công tác Y7/141, Công an TP Hà Nội phát hiện Nguyễn Trường G. (SN 1994, trú tại quận Đống Đa) và người bạn đang tàng trữ, vận chuyển trong cốp xe máy 30 quả pháo sáng, 1 quả pháo nổ nhằm sử dụng sau chiến thắng bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam – Philippines. Cơ quan công an đang thiết lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo đúng pháp luật các đối tượng vi phạm. Điều đáng nói, mặc dù biết việc tàng trữ và sử dụng (đốt pháo) là vi phạm pháp luật nhưng không ít người, nhất là một số thanh niên quá khích chưa lường hết được hậu quả, hệ lụy đến với mình khi hành vi này phải đối diện với việc bị xem xét xử lý hình sự.

Theo Bộ Công an, việc vận chuyển, tàng trữ pháo hoa không bị xem xét xử lý hình sự nhưng đối với pháo hoa nổ (pháo hoa gây tiếng nổ) vẫn có thể bị xử lý hình sự theo hướng dẫn của cơ quan tố tụng giải quyết vụ việc. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa. Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc...). Bởi vậy, người dân có hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo hoa nổ tuỳ từng mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như dạng pháo nổ. Đó là, phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 15 năm.

Tương tự, đối với hành vi sử dụng trái phép pháo (đốt pháo), tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý khác nhau. Nếu hành vi đốt pháo chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2016/NĐ-CP năm 2016. Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Nếu hành vi vi phạm là nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội gây rối trật tự công cộng. Khi đó, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm tù…

Hòa nhập, hưởng niềm vui chung trong những ngày lễ, tết hay những sự kiện thể thao – văn hoá được cộng đồng hoan nghênh. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ cần hiểu rõ quy định pháp luật và hệ luỵ có thể xảy ra cho chính mình khi còn có ý định đốt pháo trái phép nơi công cộng.