Xử lý hình sự trong kinh doanh đa cấp: Quy định cụ thể những hành vi vi phạm

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang có nhiều ý kiến xung quanh việc bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.

Bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” được nhiều người cho là cần thiết. Cũng có ý kiến cho rằng, người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, nay có thêm một tội kinh doanh đa cấp trái phép là không phù hợp. Quan điểm của ông thế nào?
- Ở nước ta, pháp luật cho phép bán hàng đa cấp (BHĐC) và chỉ xử lý đối với những hành vi lợi dụng việc kinh doanh BHĐC để trục lợi trái pháp luật, làm cho người tham gia bị thiệt hại tài sản. Những hành vi này, chúng ta vẫn đang xử lý ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định 139 Bộ Luật Hình sự, nhưng lần này sửa đổi, xử lý riêng thành tội kinh doanh BHĐC trái phép.
Chúng tôi cho rằng, với mong muốn của nhà làm luật là xử lý sớm hơn hành vi này để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản của người dân là điều cần thiết. Tuy nhiên, quy định cụ thể của điều luật như thế nào để phân định rõ, nếu không rõ ràng, đầy đủ thì có thể người ta sẽ quy vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc chỉ xem xét trách nhiệm ở tội kinh doanh đa cấp mà thôi. Rõ ràng giữa 2 chế tài này đòi hỏi phải rất cụ thể ở hành vi, đồng thời hậu quả xảy ra để từ đó áp dụng vào điều luật nào cho phù hợp, đảm bảo sự công bằng. Điều luật cần quy định cụ thể những hành vi nào là vi phạm để định khung hình phạt và thuận tiện cho việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm, tạo tính răn đe với người vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể về xử lý người tổ chức, người đứng đầu khi ký hợp đồng với người tham gia kinh doanh đa cấp theo kiểu lừa đảo?
- Trong kinh doanh đa cấp, người tổ chức là người đứng đầu, người đứng ra thiết lập mạng lưới điều hành, tổ chức hoạt động kinh doanh. Hơn ai hết, DN hiểu rõ hoạt động của mình là đúng pháp luật hay không, do vậy mà đầu tiên phải là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu tổ chức đó. Còn các bộ phận tiếp theo, họ không phải được Nhà nước cấp đăng ký kinh doanh, mà chỉ là người thực hiện nên không nắm hết được và họ luôn cho rằng, cái mà mình tham gia vào đã được Nhà nước cấp phép là hợp pháp và họ thực hiện theo. Tuy nhiên, nếu như biết đó là tổ chức bất hợp pháp mà vẫn tham gia thì hành vi đó là đồng phạm. Vì vậy, chỉ quy định xử lý người tham gia nếu đủ cấu thành tội đồng phạm với người tổ chức, còn các đối tượng tham gia mạng lưới thì nên xem xét để có hướng xử lý phù hợp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Vậy, theo ông, nên quản lý thế nào để hạn chế mặt xấu mà vẫn phát huy hiệu quả “kinh doanh đa cấp” nếu tuân thủ đúng pháp luật?
- Trước hết, ở nước ngoài họ thực hiện kinh doanh này lâu rồi, nhưng đối với chúng ta là mới. Do vậy, thứ nhất, từ khâu thẩm định để những DN thực hiện hoạt động kinh doanh này phải đảm bảo tính minh bạch và có đầy đủ các điều kiện phù hợp quy định của pháp luật. Thứ hai, phải có quy định chặt chẽ, cụ thể để người tham gia hiểu rõ, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong quan hệ pháp luật về hợp đồng. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt các quy định đối với hoạt động BHĐC, tránh sự dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo của DN hoạt động phi pháp.
Xin cảm ơn ông!
Khởi tố lãnh đạo Công ty đa cấp Thăng Long
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Ngọc Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long); Lê Văn Quang và Vũ Đình Hùng là Phó Giám đốc, và Hoàng Hải Yến - Kế toán trưởng Công ty, về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số này, bị can Yến được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Theo cơ quan chức năng, Công ty Thăng Long đã thu hút hàng vạn người tham gia vào mạng lưới đa cấp, từ đó thu được khoảng 700 tỷ đồng, đến nay không có khả năng trả lại. Kể từ ngày 5/9/2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chấm dứt hoạt động BHĐC của Công ty Thăng Long và yêu cầu Công ty phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia BHĐC theo quy định pháp luật. Vụ án đang được cơ quan điều tra  tiếp tục điều tra mở rộng. (Võ Hồng)