Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm

Tin, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP), Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại huyện Sóc Sơn, quận Đống Đa.

 Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại nhà hàng Phù Đổng (huyện Sóc Sơn).
Theo báo cáo của huyện Sóc Sơn, từ ngày 1/1 đến 19/4, toàn huyện đã kiểm tra 465 cơ sở thực phẩm, trong đó có 393 cơ sở bảo đảm các quy định về ATTP (đạt tỷ lệ 84,5%). Qua đó số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP 72 cơ sở (đạt tỷ lệ 15,5%). Trong đó, đoàn đã xử phạt 47 cơ sở với số tiền hơn 70 triệu đồng, đồng thời tịch thu tiêu huỷ hàng hoá có giá trị gần 10 triệu đồng.
 
Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhân viên chế biến không có bảo hộ lao động, có côn trùng gây hại trong khu vực chế biến, tem nhãn thực phẩm bao gói sẵn không ghi đầy đủ nội dung theo quy định.
Còn tại quận Đống Đa, tính đến nay, tuyến quận đã kiểm tra 6 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở số tiền 4 triệu đồng. Thời gian tới, tuyến quận dự kiến kiểm tra 105 cơ sở, trong đó, 40 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế.
 Đoàn kiểm tra phát hiện khu chế biến thực phẩm có côn trùng, khu phân loại thực phẩm đầu vào chưa hợp lý. 
Qua kiểm tra thực tế tại nhà hàng Phù Đổng (huyện Sóc Sơn), Đoàn kiểm tra phát hiện khu chế biến thực phẩm có côn trùng, khu phân loại thực phẩm đầu vào chưa hợp lý. Tại chợ Thái Hà (quận Đống Đa(, Đoàn lưu ý việc gắn tem, mác lên các sản phẩm chế biến sẵn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đánh giá, qua kiểm tra, các quận, huyện đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư và TP. Qua kiểm tra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã đảm bảo tuân thủ quy định về ATTP. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số cơ sở thiếu hệ thống chống côn trùng xâm nhập vào khu vực chế biến, khâu tổ chức tiếp nhận thực phẩm đầu vào chưa đảm bảo theo quy định. Từ những vi phạm đó, các đơn vị, địa phương phải có biện pháp xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, sau xử lý, Ban chỉ đạo các quận, huyện dành một thời gian nhất định để các cơ sở khắc phục, nếu đảm bảo thì chính quyền tiếp tục cho hoạt động, còn nếu không, địa phương cần có biện pháp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, địa phương phải công khai danh tính những cơ sở thực hiện tốt cũng như cơ sở thực hiện chưa tốt để cơ sở kịp thời, bổ sung các điều kiện đảm bảo theo quy định. Từ đó, người dân có điều kiện lựa chọn các cơ sở đảm bảo ATTP trong tiêu dùng.
 Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại chợ Thái Hà (quận Đống Đa).
Qua sự cố ATTP tại trường Isaac Newton và trường liên cấp Tiểu học -THCS Pascal (quận Bắc Từ Liêm), ông Tuấn đề nghị các quận, huyện tích cực tuyên truyền, kiểm tra giám sát, hướng dẫn các nhà trường, bếp ăn tập thể, đồng thời yêu cầu địa phương phải xử lý thật nghiêm, truy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khi để xảy ra sự cố mất ATTP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần