Xử lý nghiêm sai phạm trong sự cố hỏng tàu cá vỏ thép

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67, đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với thực tiễn để đem lại hiệu quả cao hơn. Phó Thủ tướng cũng đề nghị khẩn trương khắc phục sự cố tàu vỏ thép đóng theo chính sách của Nghị định 67 bị hỏng tại một số tỉnh, TP để sớm đưa vào sản xuất. Cùng với đó xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trọng thực hiện Nghị định 67, nhất là đóng mới tàu cá không đảm bảo chất lượng. Đồng thời rà soát lại các cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá và đưa vào các đơn vị có đủ năng lực, chất lượng để thực hiện việc này.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 3 năm triển khai, Nghị định 67 góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển thủy sản bền vững. Cả nước hiện có 761 tàu cá xa bờ được đóng mới đi vào hoạt động, hơn 9.000 tỷ đồng được ngân hàng giải ngân hỗ trợ đóng tàu, gần 13.000 con tàu được hỗ trợ bảo hiểm. Trong số 761 tàu cá được đóng mới có hơn 47% là tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới, khoảng 50% tàu cá có công suất từ 800 mã lực trở lên…

Có thể nói, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư. Điều đáng nói chính sách này đã góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 vẫn còn một số vướng mắc và hạn chế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá, khu neo đậu chưa theo kịp sự phát triển của đội tàu nên xuất hiện tình trạng xuống cấp và quá tải. Các chính sách khác như hỗ trợ ngư dân vay vốn lưu động để tránh phụ thuộc vào chủ nậu, chủ vựa vẫn chưa thực sự thành công do lãi suất cao và cơ chế cho vay chưa phù hợp. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong quá trình cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá và vay vốn lưu động phục vụ sản xuất. Đồng thời kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của địa phương và ngư dân.

Bên cạnh đó, theo Bộ NN&PTNT, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công, công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Đặc biệt, một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém.... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, việc đào tạo cho ngư dân vận hành tàu hiện đại vẫn khó thực hiện do chưa có quy định hỗ trợ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá vỏ thép và tàu vật liệu mới.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát cho rằng, cần xem xét thành lập riêng bộ máy chỉ đạo về triển khai Nghị định 67 nhằm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và kịp thời đôn đốc khi có các tình huống xảy ra. Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ để đóng mới và nâng cấp tàu cá với cơ chế linh hoạt, đồng thời hỗ trợ đóng thuế, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của tàu cá; kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện chủ trương về bảo hiểm thân tàu và đối với ngư dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần