Xử lý nghiêm tiêu cực thi THPT quốc gia để lấy lại niềm tin của nhân dân

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc xử lý rốt ráo, quyết liệt, triệt để để lấy lại niềm tin của nhân dân và xã hội...

Chiều 1/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong 2 ngày (ngày 31/7 và 1/8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 thảo luận về công tác xây dựng thể chế và tình hình KT-XH trong bối cảnh chúng ta đã đi qua hơn 1/2 chặng đường của năm 2018.
Về tình hình KT-XH tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.
CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.
Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực: DN đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 DN (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). DN quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 DN (tăng 6,5% so với cùng kỳ).
Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 7 tháng ước đạt 9 triệu lượt khách, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được quan tâm chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, các đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ Olympic quốc tế các môn Toán (1 vàng, 2 bạc, 3 đồng), Vật lý (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng), Sinh học (3 vàng, 1 bạc) đều đạt kết quả xuất sắc.
Các vụ tiêu cực, gian lận thi cử đã và đang được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ. Thủ tướng yêu cầu xử lý quyết điểm vấn đề này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động.
Đặc biệt, vừa qua vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử tại một số địa phương (Hà Giang, Sơn La) gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội.

Bộ trưởng cho biết, về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc xử lý rốt ráo, quyết liệt, triệt để để lấy lại niềm tin của nhân dân và xã hội; nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm.
Đồng thời lưu ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các cách thức tổ chức thi, đưa ra các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Chính phủ và nhận trách nhiệm đối với vụ việc này.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới,...
Kiên định, kiên trì mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách DN (đặc biệt DNNN), phát triển DN tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công.
Về công tác phòng chống thiên tai: Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng thiên tai. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, sạt lở để chủ động các phương án ứng phó. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều hồ chứa thủy lợi, thủy điện… Bảo đảm tốt việc cung ứng lương thực, hàng hóa, không để đồng bào vùng bị thiên tai thiếu đói, thiếu thực phẩm, nước uống, không để giá nông sản thực phẩm tăng cao.
Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành không được để mất cảnh giác trong công tác phòng chống thiên tai. Đây phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của các cấp, các ngành; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác phòng chống thiên tai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần